Công nghệ phù hợp giúp HTX nâng hiệu quả sản xuất

Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Hà Nội), ông Đàm Văn Đua cho biết, HTX đã có các sản phẩm như củ cải khô, mướp đắng khô… nhưng chế biến vẫn chủ yếu theo phương thức thô sơ, nhỏ lẻ nên HTX xuất ra thị trường chủ yếu là rau màu tươi, phục vụ thị trường tại chỗ là Hà Nội.

Công nghệ là khâu then chốt

Trong khi đó, HTX sản xuất dâu tây Xuân Quế tuy hoạt động tại một địa phương miền núi là xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) và sản xuất một loại nông sản được cho là dễ hư hỏng là quả dâu tây nhưng nhờ ứng dụng công nghệ từ khâu trồng đến thu hoạch, bảo quản mà nông sản của HTX đã tiêu thụ được ở nhiều tỉnh, thành trong nước, ký hợp đồng với các siêu thị.

Cụ thể là HTX đã ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, tưới tiết kiệm, ứng dụng phần mềm WeatherPlus để tăng khả năng cung cấp dịch vụ thời tiết và hỗ trợ về kỹ thuật canh tác cây trồng thông qua App Agri. Việc bảo quản lạnh trong khâu vận chuyển cũng được đầu tư giúp kéo dài độ tươi, tránh hư hỏng của quả dâu tây khi đến tay khách hàng.

Có thể thấy, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và các khâu sau thu hoạch là vô cùng quan trọng đối với HTX. Bởi hiện nay, các thị trường xuất khẩu đều có những quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như củ khoai lang khi xuất sang Trung Quốc phải đảm bảo được bảo quản tươi, không mọc mầm, không hà thối trong 30 ngày. Yêu cầu này từ phía Trung Quốc nhằm đảm bảo việc phân phối khoai lang nhập khẩu tới tay người tiêu dùng trên một vùng rộng lớn mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Hay đối với Nhật Bản - được coi là thị trường khó tính, các HTX muốn xuất khẩu nông sản sang đây phải trải qua nhiều yêu cầu khắt khe. Điển hình như chứng nhận nông sản hữu cơ, Nhật Bản cũng chưa chấp nhận chứng nhận hữu cơ của Việt Nam.

Không ít HTX, đơn vị sản xuất ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ nhưng chưa mang lại hiệu quả tối ưu (Ảnh minh họa).

Đại diện một số HTX cho biết đã ứng dụng công nghệ nhưng mới chỉ ở một số khâu. Thậm chí có những công nghệ đã được đầu tư nhưng cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn hoặc gặp khó khăn khi đầu tư công nghệ.

Theo ông Nguyễn Hữu Xuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh tổng hợp Xuyên Việt (Bắc Giang), việc đầu tư máy sấy lạnh với công suất lớn là cần thiết để nâng giá trị quả vải, không bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, nên muốn đầu tư công nghệ phù hợp với quy mô, HTX cần có chính sách hỗ trợ cho trả góp hoặc giảm lãi suất cho vay đối với HTX.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối công nghệ và thương mại nông sản Việt Nam - Nhật Bản lần 2 năm 2024” tổ chức ngày 24/5, Gs.Ts Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cho biết hiện nay, không ít HTX, đơn vị sản xuất ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ nhưng chưa mang lại hiệu quả tối ưu. Ví dụ như công nghệ nhà kính cho thấy các loại vật liệu trong nhà kính vẫn chưa phù hợp với điều kiện ở nhiều địa phương khiến nhiệt độ trong các nhà kính còn cao, gây dịch hại, bệnh tật cho cây trồng và gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là đất nước sản xuất nông nghiệp và đang là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng thuộc top đầu thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê… Thế nhưng, do khâu ứng dụng công nghệ vào sau thu hoạch vẫn còn yếu nên tổn thất rất nhiều, giá trị kinh tế mang về chưa cao.

“Ngay như quả vải, nhiều năm liền vẫn rơi vào tình trạng dồn ứ trong 2 tháng thu hoạch chính vụ khiến giá bị giảm xuống. Khi hết 2 tháng, Việt Nam lại không có vải để tiêu thụ, xuất khẩu, trong khi đây là một loại đặc sản được nhiều thị trường tìm kiếm, ưa chuộng và có giá cao khi xuất khẩu”, ông Dương dẫn chứng.

Còn thiếu công nghệ hợp với sinh thái, điều kiện kinh tế

Chính vì vậy, làm sao để nâng cao hiệu quả sản xuất, kéo dài thời gian sử dụng của nông sản cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều HTX hiện nay. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội), cho biết rau muống đạt tiêu chuẩn VietGAP nếu bán tại các siêu thị ở Hà Nội có giá 10.000 - 15.000 đồng/bó (khoảng 500-600gam), nhưng khi xuất sang Hàn Quốc lại có giá đến 2.880 Won (tương đương 52.000 đồng). Nếu tìm và ứng dụng được công nghệ bảo quản, vận chuyển phù hợp sẽ giúp HTX chủ động trong xuất khẩu, phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất rau ăn lá tại địa phương.

Theo PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nếu các sản phẩm như xoài cát Hòa Lộc, thanh long Bình Thuận, bơ ở Tây Nguyên… được chú trọng các công nghệ trong khâu bảo quản sẽ được bán với giá cao, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, HTX. Thực tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… cũng đã đánh giá rất cao chất lượng những loại nông sản này của Việt Nam.

Nhưng ứng dụng công nghệ là một chuyện, làm sao để công nghệ mang lại hiệu quả cao, phù hợp với các HTX và điều kiện của Việt Nam mới là điều cần thiết.

Như đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gỗ, chế biến lâm sản, còn Nhật Bản chủ yếu xuất sang Việt Nam các loại máy móc. Trong khi đó, theo thống kê, Nhật Bản mới cung ứng được 45% nhu cầu nông sản cho người dân trong nước. Đây là thị trường rất tiềm năng, bởi Việt Nam có nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị và chất lượng cao.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu công nghệ phù hợp với điều kiện, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là công nghệ về sinh học để thúc đẩy sản xuất an toàn, hữu cơ, công nghệ cao gắn với sản xuất nhà kính, nhà lưới để giúp người dân, HTX kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các HTX vẫn còn gặp nhiều rào cản trong cấp chứng nhận, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bảo quản, vận chuyển, nên các mặt hàng nông sản dù được sản xuất ra khá đa dạng nhưng vẫn chưa thâm nhập mạnh vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Chính vì vậy, theo Gs.Ts Nguyễn Hồng Sơn, các công nghệ cần được cải tiến để phù hợp với sinh thái, môi trường, kinh tế của các HTX nói riêng và Việt Nam nói chung thì mới mang lại hiệu quả và giúp Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Ông Koshio Kentaro, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Maruwa Biochemical, cho rằng muốn nâng cao khả năng xuất khẩu thì ngành nông nghiệp với đầu tàu là các HTX ở Việt Nam cần nâng cao giá trị chất lượng cây trồng, cải thiện năng suất, cải thiện khâu bảo quản và thu hoạch bằng các công nghệ phù hợp. Các công nghệ giúp nông sản tránh hư hỏng do nhiệt độ cao, sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn có nguồn gốc thiên nhiên, sử dụng các vật liệu bảo quản giữ độ tươi ngon cho nông sản cần được ứng dụng nhiều hơn để phù hợp với nền nông nghiệp an toàn hướng đến hữu cơ mà Việt Nam đã định hướng.

Huyền Trang