COVID-19 tại ASEAN hết 29/12: Số ca tử vong tại Lào tăng mạnh; Indonesia ghi nhận hàng chục trường hợp Omicron

Người dân thích thú ngắm nhìn khu vực trang trí Giáng sinh tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan, ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 6 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Điểm tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Việt Nam ngày 29/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 13.800 ca mắc mới và 245 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đó là một khách nhập cảnh.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, song số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 29/12 ghi nhận thêm trên 2.500 ca bệnh mới và 17 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 4 bệnh nhân mới và chỉ 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới hiện quay lại mức 4 con số. Điều đáng lo ngại là số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua tăng cao với 13 trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Học sinh đang ngồi chờ tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào tăng lên mức 4 chữ số, ca tử vong tăng mạnh

Bộ Y tế Lào ngày 29/12 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.042 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 13 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 4 ca là người nhập cảnh.

Bộ Y tế Lào cho biết, sau 3 ngày tăng ở mức 3 chữ số, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong ngày 29/12 lại tăng lên 4 chữ số, tăng 80 ca so với ngày 28/12. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 417 ca cộng đồng trong một ngày. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 108.782 ca, trong đó có 355 ca tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào khuyến nghị việc tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 được xem là biện pháp giúp tăng cường kháng thể, giúp người dân tránh nguy cơ biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Người dân có thể đăng ký tiêm mũi thứ 3 tại các bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước.

Liên quan đến nguồn cung vaccine, Lào vừa nhận bàn giao hơn 320.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca và các thiết bị trữ đông để bảo quản vaccine do Nhật Bản viện trợ, trị giá hơn 913.000 USD, nhằm giúp nước này tăng cường năng lực bảo quản và tiêm vaccine để đạt được mục tiêu đề ra.

Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron tại Indonesia là người nhập cảnh

Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã ghi nhận thêm 21 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 68 ca.

Theo Bộ trưởng Budi, tất cả 21 ca nói trên đều là các ca nhập cảnh. Hầu hết các ca này đều đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Như vậy, cho đến thời điểm này, Indonesia mới chỉ ghi nhận một ca lây nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

Nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập, ngày 27/12, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng số lượng xét nghiệm PCR từ 2 lên 3 lần đối với người nhập cảnh. Hiện Indonesia quy định công dân nước này và khách du lịch nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở lưu trú hoặc địa điểm cách ly được chỉ định. Nhà chức trách đang để ngỏ khả năng nâng thời gian cách ly lên 14 ngày vào đầu năm tới.

Chuẩn bị vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân tại điểm tiêm bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Oramed (Israel) hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam thương mại hóa vaccine ngừa COVID-19 dạng uống

Ngày 29/12, tại 3 đầu cầu trực tuyến Việt Nam, Israel và Mỹ đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận hợp tác, thương mại hóa vaccine ngừa COVID-19 dạng uống độc quyền toàn khu vực Đông Nam Á giữa Công ty Cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings – Công ty Cổ phần 10 Pharma (Việt Nam) và Công ty Oravax Medical Inc (Mỹ) – Công ty Oravax Medical Ltd (Israel). Oravax Medical do Oramed Pharmaceuticals và một số cổ đông khác thành lập vào năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, cùng tham dự và chứng kiến lễ ký tại đầu cầu Việt Nam có đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; tại đầu cầu trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Israel có cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán và các khách mời Israel.

Thỏa thuận bao gồm việc Tân Thành Holdings và 10 Pharma sẽ độc quyền phân phối vaccine của Oravax tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Thỏa thuận hợp tác trị giá hàng trăm triệu USD cho Oravax và bao gồm các khoản thanh toán dựa trên các mốc lâm sàng, hướng tới chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức