ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ AN SINH XÃ HỘI

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các chính sách và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động thời gian qua còn nhiều bất cập khi Thủ tướng cho biết những giải pháp để khắc phục tình trạng này và sắp tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ nào?

Trả lời băn khoăn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thời gian qua rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để cho Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp tục đề xuất các chính sách và chủ động chính sách theo thẩm quyền. Nhưng, đúng như ý kiến của đại biểu. Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và các đơn vị liên quan sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách, đã thực hiện cái gì được, cái gì chưa được, nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó, rà soát đối tượng, phạm vi, mức độ, từ đó làm căn cứ định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách, bỏ sót.

Phát biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ lo ngại đợt bùng phát từ cuối tháng 9 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có thể từ đợt người lao động hồi hương trước đó. Đại biểu cho rằng, thực trạng này làm dấy lên lo ngại về khả năng thu dung, điều trị, cách ly, an ninh trật tự của các địa phương này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ nêu giải pháp hỗ trợ, gói an sinh cho người dân tại khu vực này cũng như quyết sách điều phối giúp phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, dich chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhưng thời gian qua không bình thường ở chỗ quản lý Nhà nước còn có sơ hở, nên khi người lao động dịch chuyển đã gây áp lực cho các địa phương.

Để giải quyết áp lực này, theo Thủ tướng Chính phủ, đầu tiên, Trung ương và địa phương phải phối hợp, xem xét lại năng lực y tế. Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan như bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực y tế cho địa phương; tăng cường vaccine cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, vaccine vẫn phải ưu tiên cho vùng dịch phức tạp trước, Đồng bằng sông Cừu Long cũng chưa được ưu tiên nhiều. Chính phủ sẽ cố gắng ưu tiên vaccine cho Đồng bằng sông Cửu Long khi vaccine phân phối đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, sẽ có thêm chính sách an sinh - xã hội, hỗ trợ cho người dân khu vực này; huy động từ các thành phần kinh tế để giảm áp lực cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Về phương án căn cơ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cần giải quyết nút thắt hạ tầng: thứ nhất là giao thông; thứ hai là hạ tầng chống biến đổi khí hậu; thứ ba là hạ tầng y tế và giáo dục. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu thêm từ đó có cơ sở đề nghị Quốc hội thêm chính sách để phát triển căn cơ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thủ tướng, giải quyết được những vấn đề trên, sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, thu hút đầu tư, tạo sinh kế cho người dân nơi đây.

Cũng tại phiên chất vấn, về giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch COVID-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành; đồng thời rà soát, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho những nhóm đối tượng khó khăn nhất; chú trọng thực hiện các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động… Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh./.

Thu Phương – Nghĩa Đức