Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đối ngoại mở đường lớn, doanh nghiệp kết nối sâu

Song để phát huy tốt hơn nữa vai trò của công tác đối ngoại trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu được dự báo còn nhiều biến động khó lường, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng ộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cho rằng, khi công tác đối ngoại đã mở ra con đường lớn thì chính các doanh nghiệp phải tự nâng mình lên và kết nối sâu để khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ. Ảnh: Chí Cường

Thưa Đại sứ, năm 2023, hoạt động đối ngoại của Việt Nam rất sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương, ở nhiều quy mô từ khu vực, châu lục đến toàn cầu, nổi bật là các chuyến thăm Việt Nam của 2 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới là Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Biden; là việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo ông, vì sao vào thời điểm này, các cường quốc hàng đầu thế giới đều mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác, nâng cấp quan hệ với Việt Nam?

Năm 2023, chúng ta đã triển khai hoạt động đối ngoại nhộn nhịp, rộng khắp ở các cấp độ khác nhau, với trọng tâm là mở rộng không gian địa chiến lược, nâng cao vị thế đất nước, tranh thủ nguồn lực cho phát triển sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong năm qua, chúng ta đã củng cố mạnh mẽ, nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực. Đến nay, chúng ta có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện trong tổng số 30 Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện, tạo cho chúng ta không gian và vị thế chiến lược mới.

Có điều đó là vì, trước hết, họ cần Việt Nam và Việt Nam cũng cần họ. Chính sách đối ngoại nhất quán của chúng ta là tăng cường hợp tác, xây dựng quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện với tất cả các nước. Có những quốc gia cạnh tranh, cọ xát gay gắt với nhau nhưng chúng ta không đi cùng bên này chống lại bên kia, mà luôn giữ mối quan hệ hợp tác tốt với các bên.

Thứ hai là chúng ta nhất quán “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” và đã phát huy rất tốt vai trò của Việt Nam trong ASEAN, Đông Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương. Chính vai trò đó mà các nước khi cần hợp tác với ASEAN và Đông Nam Á đều nghĩ đến và chọn Việt Nam như là cầu nối.

Thứ ba là chúng ta nhất quán trong việc đóng góp có trách nhiệm đối với các công việc chung của thế giới, như biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh, hòa bình ổn định, tham gia các tổ chức quốc tế…

Cuối cùng, chính là do sự phát triển ổn định, bền vững của Việt Nam. Sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn cho việc làm ăn, hợp tác hai bên cùng có lợi. Cho nên các đối tác dù có cạnh tranh, phân chia, cọ xát nhưng đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội làm ăn, hợp tác, đặc biệt là xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy, bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư từ năm 2021, Đại sứ đã nói: “Quan hệ Việt - Mỹ có cả chất toàn diện và tầm chiến lược”. Việc hai nước nâng quan hệ lên mức cao nhất năm vừa rồi có nằm trong dự đoán của Đại sứ hay không?

Có những nhận định rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là “nhảy” 2 bước, là thành tựu rất lớn trong quan hệ hai nước. Theo quan điểm của tôi, vào thời điểm năm 2023, quan hệ Việt - Mỹ đã có cả tính chiến lược và tính toàn diện, cho nên chúng ta đã đặt tên đúng tầm cho mối quan hệ.

Những hoạt động nâng tầm quan hệ với các đối tác thời gian qua tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững hơn, chất lượng hơn, tin cậy hơn.

Về tính toàn diện, hợp tác hai bên trên tất cả các mặt đều rất phát triển, bao gồm chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại - đầu tư, công nghệ, giáo dục, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh…

Về tính chiến lược, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đến nay là thị trường duy nhất đạt kim ngạch thương mại trên 100 tỷ USD, góp phần giúp Việt Nam cân đối cán cân xuất nhập khẩu, tạo thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị bền vững.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, hai bên đã thảo luận câu chuyện về chất bán dẫn, xây dựng hạ tầng dựa trên công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Đó đều là những động lực cho sự phát triển tiếp theo của mối quan hệ giữa hai nước.

Còn việc thống nhất xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam -Trung Quốc”; nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” có ý nghĩa như thế nào trong hợp tác, phát triển kinh tế và các lĩnh vực mới, thưa ông?

Dù đặt tên gọi thế nào trong tương tác quan hệ với các quốc gia thì cũng có mấy điểm cần chú ý.

Thứ nhất, thời gian qua, chúng ta nâng tầm quan hệ với nhiều đối tác chủ chốt như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, các nước láng giềng, các nước thành viên ASEAN cũng có quan hệ đặc biệt với những chuyến thăm quan trọng.

Thứ hai, dù tên gọi thế nào nhưng luôn nhất quán “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” cho Việt Nam, cho các nước và cho thế giới. Với “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”, “tương lai” ở đây cũng là “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển”.

Thứ ba là hợp tác với nhau trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đan xen lợi ích để hai bên cùng có lợi.

Với việc chúng ta thiết lập quan hệ ở những tầng nấc cao hơn với các đối tác lớn và các nước láng giềng, các nước trong khu vực, đến nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược với tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đối tác Toàn diện với các nước chủ chốt nhất. Nhờ đó, vị trí địa chiến lược của Việt Nam được nâng cao, tạo điều kiện để chúng ta phát huy vai trò chính trị, đối ngoại, tranh thủ nguồn lực tốt hơn trong quan hệ kinh tế quốc tế. Quan trọng hơn, những hoạt động nâng tầm quan hệ với các đối tác thời gian qua tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững hơn, chất lượng hơn, tin cậy hơn.

Như vậy có thể nói, công tác đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2023 nói riêng, đã góp phần mang đến một môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, có thêm nhiều tập đoàn lớn của thế giới bày tỏ sự quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo Đại sứ, chúng ta cần những giải pháp cụ thể nào để nắm bắt, tranh thủ tốt cơ hội này?

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định tập trung vào 3 đột phá chiến lược đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, 3 khâu đột phá này cần bổ sung thêm nội hàm thích ứng với công nghệ, đổi mới sáng tạo, chứ không chỉ tập trung vào những lĩnh vực truyền thống như trước đây.

Thứ nhất, các thỏa thuận đã đạt được không phải là cái “nắm được, sờ được” ngay, mà phải có kế hoạch triển khai từ cấp Chính phủ. Trong cuộc trao đổi gần đây của tôi với các bộ ngành Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các quan chức Mỹ, quan tâm lớn nhất của họ là làm sao thúc đẩy triển khai các thỏa thuận này.

Ví dụ, khung chính sách thích ứng với công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất bán dẫn, kinh tế số, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) như thế nào là những lĩnh vực rất mới ở Việt Nam. Muốn làm được, chúng ta phải chủ động học hỏi kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, làm sao khớp nối môi trường pháp lý, chính sách của Việt Nam tương ứng với các đối tác. Rồi đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, chuẩn bị hạ tầng cho ngành này thế nào…

Thứ hai, chúng ta đã có những tập đoàn, công ty tham gia vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, bán dẫn, nhưng sắp tới muốn chất lượng cao hơn, trình độ tinh vi hơn thì bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực lên.

Quan trọng nhất, quan hệ giữa Chính phủ với Chính phủ đã “mở đường” thì các doanh nghiệp phải kết nối với nhau để tạo ra chuỗi cung ứng. Khi các doanh nghiệp kết nối với nhau, tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng thì dù bất cứ thay đổi nào về địa chính trị, hay biến động do bầu cử thì quan hệ hợp tác kinh tế giữa các bên sẽ vẫn đứng vững.

Đại sứ có khuyến nghị gì để hoạt động đối ngoại và ngoại giao trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo tiếp tục phát triển, đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra?

Chúng ta đang có vị thế thuận lợi về địa chính trị và địa kinh tế, có môi trường tốt nhất để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực rất nhiều để phát huy mạnh mẽ hơn trong năm mới.

Không gian địa chiến lược thuận lợi của Việt Nam đòi hỏi phải tiếp tục củng cố và duy trì đà phát triển, tranh thủ kết nối và làm cầu nối với các đối tác chủ chốt để các bên cùng phát triển.

Thế giới hiện có một số đặc tính cần quan tâm là: bất ổn, chuyển đổi, bền vững, đổi mới sáng tạo. Chính những đặc tính đó đã và đang tạo ra những xu hướng phát triển mới cho mô hình phát triển kinh tế thế giới. Vì vậy, Việt Nam phải tiếp cận sâu hơn nữa thông qua chủ trương đối ngoại với bên ngoài và tăng cường nội lực từ bên trong.

Kỳ Thành