Đảng bộ Minh Hóa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Từ thực trạng điều kiện kinh tế-xã hội, chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương, hàng năm, Đảng bộ huyện Minh Hóa luôn quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục-dạy nghề nói riêng, phát triển nguồn nhân lực nói chung. Bên cạnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, huyện còn phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao và chuyên sâu về hội nhập kinh tế-quốc tế cho cán bộ quản lý và công chức tùy theo vị trí việc làm cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước; bảo đảm cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Trong 5 năm qua, bằng những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, toàn huyện Minh Hóa có 341 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị, 4 cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ, 16 cán bộ tham gia học lớp dự nguồn cấp xã. Ngoài ra, huyện còn tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở với 302 người tham gia, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, cử cán bộ tham gia tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ theo chuyên ngành nhằm củng cố và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ các mặt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở.

Tư vấn, định hướng cơ hội học tập và nghề nghiệp cho học sinh THPT là một trong những giải pháp thiết thực nhằm phát triển toàn diện nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS và miền núi huyện Minh Hóa.

Đồng chí Đinh Duy Hòa, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Đến nay, trình độ dân trí của vùng ĐBDTTS và miền núi Minh Hóa đã có những chuyển biến đáng kể. Về cơ bản, huyện đã thực hiện thành công việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động từng bước được nâng lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã nói chung cơ bản bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan và so với mặt bằng chung của tỉnh, chất lượng giáo dục và đào tạo cho vùng ĐBDTTS, miền núi của huyện vẫn còn thấp, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn đổi mới hiện nay”.

Tìm hiểu về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS, miền núi huyện Minh Hóa, được biết, trong việc đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về bằng cấp, chưa chú ý chuyên môn phù hợp; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong việc sử dụng nguồn nhân lực còn phổ biến. Công tác đào tạo chưa thực sự gắn với sử dụng và nhu cầu thực tế của cơ sở, chưa phù hợp với vị trí việc làm. Nhận thức của người dân về học nghề chưa cao, đa số học sinh chưa sớm định hướng nghề phù hợp với khả năng, trình độ học tập của bản thân mình. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Một số ngành như: y tế, nông nghiệp, xây dựng... còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Sự chênh lệch về trình độ giữa vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS với các vùng khác còn cao, kỹ năng tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho hay: “Phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay của Đảng bộ huyện Minh Hóa. Chúng tôi cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần thời gian dài và muốn thực hiện được phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước kết hợp với sức mạnh của cộng đồng và ý thức tự lực vươn lên của ĐBDTTS. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những chính sách đã có, huyện Minh Hóa rất cần có hệ thống chính sách đi kèm để lồng ghép, tập trung cho công tác phát triển nguồn nhân lực ĐBDTTS và miền núi”.

Chương trình hành động về nâng cao chất lượng công tác cán bộ được xem là khâu đột phá của Đảng bộ huyện Minh Hóa giai đoạn 2020-2025. Theo đó, huyện phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu cơ bản, như: đủ nguồn cán bộ để đổi mới khoảng 30% cán bộ trẻ dưới 40 tuổi giữ các chức danh lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể cấp huyện và cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã, thị trấn; có từ 15% cán bộ nữ trở lên, từ 5-10% cán bộ là ĐBDTTS tham gia các chức danh lãnh đạo quản lý cấp huyện và cấp xã, thị trấn…

Trong các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS và miền núi bảo đảm tính bền vững thì giải pháp về giáo dục-đào tạo có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, huyện Minh Hóa đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống giáo dục-đào tạo, đặc biệt là xây dựng trường nội trú liên thông, trường bán trú dân nuôi. Huyện đã sắp xếp cho học sinh vùng ĐBDTTS và miền núi được đào tạo dự bị tại Trường đại học Quảng Bình để các em được trang bị những kiến thức cơ bản trước khi bước vào đại học; đồng thời, mở rộng phạm vi, có cơ chế gắn trách nhiệm của địa phương trong việc lựa chọn đối tượng và ngành học cử tuyển với việc bố trí, sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Cùng với việc quan tâm đào tạo nguồn trí thức và nhân tài là ĐBDTTS, huyện sẽ phân luồng định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với những học sinh còn hạn chế về năng lực, trình độ để giúp các em có điều kiện tìm việc làm hoặc đủ kiến thức trở về tổ chức sản xuất tại gia đình.

“Lao động vùng miền núi, ĐBDTTS chủ yếu làm nghề nông truyền thống với ruộng đất manh mún, tư liệu giản đơn, sản xuất nặng về khai thác tự nhiên và dựa vào kinh nghiệm là chính để tự làm ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Do vậy, thời gian tới, huyện tích cực xây dựng, củng cố và sử dụng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm làm cầu nối chuyển giao khoa học, công nghệ cho đồng bào. Bằng các hình thức đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền, huyện sẽ thông tin công khai, rộng rãi, đầy đủ về các chương trình hỗ trợ, chính sách cử tuyển, cơ hội học tập và nghề nghiệp; phổ biến các mô hình, tấm gương trong học tập và nghề nghiệp là ĐBDTTS làm nhân tố để nhân rộng điển hình. Từ đó, gây dựng, củng cố niềm tin về các cơ hội học tập và nghề nghiệp cho ĐBDTTS, tạo động lực thúc đẩy ĐBDTTS luôn nỗ lực, phấn đấu học tập và vươn lên chứ không chỉ dừng lại học chỉ đủ để biết chữ.”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Hiền Chi