Đảo chính châu Phi: Dân Niger biểu tình 'cho đến khi binh sĩ Pháp cuối cùng về nước'

Trong tuần qua, tình hình tại Gabon và Niger - hai quốc gia có đảo chính ở châu Phi - có một số diễn biến mới.

Tổng thống lâm thời Gabon thăm Congo

Ngày 1-10, Tổng thống lâm thời Gabon - ông Brice Oligui Nguema có chuyến thăm đến Congo. Ông Oligui cho biết mục đích chuyến thăm của ông là nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước, sau khi nhiều quốc gia châu Phi lên án cuộc đảo chính ở Gabon hồi tháng 8, theo tờ Al Arabiya.

Tổng thống lâm thời Gabon - ông Brice Oligui Nguema. Ảnh: AFP

“Tôi đến để tham khảo ý kiến, thảo luận và trao đổi với Tổng thống Congo - ông Denis Sassou Nguesso. Với chúng tôi, ông Nguesso là nhân vật chủ chốt trong khu vực - người có thể truyền tải thông tin về những gì chúng tôi đã làm đến với thế giới” - ông Oligui nói.

Tổng thống lâm thời Gabon cho biết chuyến thăm Congo của ông cũng nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt. “Chúng tôi mong sẽ giành lại được vị thế của mình” - ông Oligui phát biểu sau cuộc gặp.

Tổng thống Nguesso không phát biểu sau cuộc gặp. Thay vào đó, Ngoại trưởng Congo - ông Jean-Claude Gakosso đã có cuộc gặp với báo chí. Trong cuộc gặp này, ông Gakosso ca ngợi ông Oligui là “một người khiêm tốn và có tinh thần hòa giải”.

“Tôi nghĩ rằng người Gabon, người Congo và các anh em của chúng tôi ở Trung Phi nên ủng hộ ông Oligui. Chúng tôi biết đã có sự thay đổi ở Libreville (thủ đô Gabon - NV). Điều quan trọng là không có đổ máu. Chúng ta hiếm khi chứng kiến cảnh này - một sự thay đổi chế độ mạnh mẽ mà không đổ máu” - ông Gakosso nói.

Chuyến thăm Congo là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Oligui kể từ khi ông nhậm chức tổng thống lâm thời Gabon. Trước đó, ngày 19-9, ông Oligui đã có chuyến công du đến Guinea Xích đạo.

Người biểu tình ở Niger ăn mừng đại sứ Pháp rút về nước

Trong tuần qua, sau khi Pháp thông báo rút đại sứ khỏi Niger, hàng nghìn người đã tập trung gần căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey để ăn mừng, theo đài Africa News.

“Chiến thắng này (việc Pháp rút đại sứ khỏi Niger) không phải là chiến thắng toàn diện cho cuộc cách mạng này. Nó mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi kêu gọi toàn bộ người dân Niger đoàn kết cho đến khi người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Niger” - ông Mohamed Abdou-Latif, người tham gia cuộc biểu tình, nói.

Người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự ở Niger hồi tháng 9. Ảnh: AFP

Người tham gia biểu tình - ông Ibrahim Boubacar cũng đồng tình với quan điểm trên.

"Chúng tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng đại sứ Pháp được rút về không có nghĩa là chúng tôi sẽ ở nhà và nói: 'Xong rồi, chúng ta đã thắng'. Không, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến” - ông nói.

Ngày 27-9, Đại sứ Pháp tại Niger - ông Sylvain Itte đã lên đường về lại Paris (Pháp), theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước đó, ngày 24-9, ông Macron cũng thông báo nước này sẽ rút các binh sĩ đồn trú tại Niger khỏi nước này. Các binh sĩ Pháp sẽ rút đi dần trong vài tuần đến vài tháng tới. Việc rút quân Pháp khỏi Niger sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

KHOA ĐIỀM