Đầu tư ngành công nghiệp, làm gì để 'giữ chân' nhà đầu tư ngoại?

Điểm nghẽn hiện hữu

Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ, bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhưng giới chuyên gia cho rằng, nhiều cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn chưa được Việt Nam tận dụng do thiếu nhân lực chất lượng cao và cơ chế.

Chính phủ quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chíp...

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp. Nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cũng đã có những nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đối với Việt Nam nhưng lại chuyển hướng đầu tư sang nước khác.

Liên quan đến vẫn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra, có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, Việt Nam đang mất dần lợi thế nhân công giá rẻ.

Thứ hai, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu kém, khiến Việt Nam chưa có được một hệ thống nhà cung ứng nội địa các linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ tại chỗ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, áp luật trong nước hiện chưa thể đáp ứng một số yêu cầu mà nhà đầu tư đưa ra, đơn cử một số nhà đầu tư đề nghị được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho dự án đầu tư của họ, trong khi pháp luật về ngân sách Nhà nước chưa cho phép điều này. Đơn cử trước đây năm 2019, LG Chemistry đã yêu cầu Chính phủ hỗ trợ 200 triệu USD để đầu tư Nhà máy sản xuất cell pin lithium-ion tại Việt Nam. Tuy nhiên sau đó LG Chemistry đã chuyển sang đầu tư tại Indonesia khi pháp luật Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ôtô, điện tử... nhưng lại đang rất yếu ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện... để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp FDI mong có các doanh nghiệp sản xuất có định hướng đầu tư dài hạn, có năng lực cung ứng tốt để đồng hành cùng với họ trong quá trình phát triển.

Thu hút FDI hiệu quả để phục vụ cho sản xuất công nghiệp

Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả phục vụ cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, tạo ra một hệ thống cung ứng tại chỗ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó trong tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế, trong thời gian trước đây cũng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.

Do đó, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh hệ thống pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam – đặc biệt là các hình thức hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu”- đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu kiến nghị.

Liên quan đến quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay, trong bối cảnh Việt Nam thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1-2024, áp thuế 15% với các tập đoàn đa quốc gia có quy mô vốn trên 750 triệu Euro thì việc giữ chân nhà đầu tư công nghệ lớn trở nên gấp gáp hơn. Việc áp thuế 15% sẽ làm chúng ta mất lợi thuế về ưu đãi thuế lâu nay. Hiện Chính phủ đã giao các bộ ngành xây dựng cơ chế áp thuế đi kèm với cơ chế ưu đãi đầu tư để giữ chân nhà đầu tư.

Về phía ộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu giải pháp, về thể chế Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện đang nghiên cứu cơ chế đặc thù ưu đãi đối với các công ty sản xuất công nghệ, bán dẫn, điện tử.

Về cơ sở hạ tầng gồm: Giao thông đường bộ, thủy, hàng không, và hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất như điện, gần đây đã phê duyệt quy hoạch điện VIII. Xây dựng các khu công nghệ cao tạo ra môi trường, thể chế vượt trội hơn nữa cho các tập đoàn, tổng công ty sản xuất tại Việt Nam.

Về nguồn nhân lực đang làm xây dựng các chương trình cụ thể, bên cạnh các cơ quan đơn vị có năng lực, các trường đại học, các tập đoàn lớn như: , CMC, Viettel thì đã trình Đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư phục vụ cho sản xuất chip bán dẫn.

Ngoài ra, một yếu tố được các tập đoàn đánh giá cao là sự quyết tâm của Chính phủ trong theo đuổi để phát triển ngành công nghiệp điện tử bán dẫn chip, để thực sự xây dựng phát triển ngành. Trong đó đã tập trung vào các đối tác có tiềm năng, có cam kết mạnh mẽ đặc biệt là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Duy Anh