Đề nghị xác lập sở hữu toàn dân với tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch COVID

Đại biểu Tráng A Dương.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay (29/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đánh giá cáo Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Báo cáo đã tổng hợp khách quan, giúp đại biểu có thông tin toàn diện.

Góp ý về những khó khăn trong sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, công tác tiêm chủng vaccine không chủ động nguồn vaccine nên địa phương không chủ động trong tổ chức thực hiện. Việc thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai khi được phân bổ vaccine trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện, không có phác đồ tiêm chủng vaccine nên không biết phải tiêm bao nhiêu mũi vaccine. Về việc tiếp cận vaccine còn chậm, muộn nên nhiều người sau khi tiêm mũi 1 mà không có vaccine để tiêm mũi 2…

Đặc biệt, Đại biểu Dương đã chỉ rõ nhiều khó khăn trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch. Vì vậy, Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội quy định rõ trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch COVID để quản lý, sở hữu, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế, xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ công bố tình trạng dịch COVID, chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn chuyên môn về quản lý, sử dụng vaccine, nhất là phác đồ tiêm chủng, hệ số hao chi phí vaccine.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5 sáng 29/5.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho rằng, dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, theo Đại biểu, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp.

Đại biểu dẫn chứng ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID- 19 của Trung ương và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng, phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.

Tuy nhiên, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước vừa qua, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán cũng đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID -19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch.

Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch, hiện chỉ còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Theo Đại biểu, nhiều tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề này. Từ đó, Đại biểu Nhi đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này.

Nên xét công bố hết dịch COVID-19

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng nên xét công bố hết dịch COVID-19. Đại biểu phân tích, Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỷ lệ bệnh nặng, đạt tỷ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 có thể được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác.

Vương Anh