Để việc cải tạo chung cư cũ sớm về đích

Khu tập thể nhà G6A Thành Công, quận Ba Đình là một trong 10 khu chung cư cũ được cải tạo trong đợt đầu tiên

Sớm xây dựng lại chung cư cũ

Liên quan đến việc cải tạo chung cư cũ, mới đây, nhiều quận trung tâm thành phố đã chủ động công khai, minh bạch nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân có thể theo dõi, giám sát.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, quận Đống Đa đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết, kiểm định chất lượng các khu tập thể. Nhằm bảo đảm tính khả thi của đồ án quy hoạch, quận tiến hành lấy ý kiến công khai của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư.

Tại hội nghị, phần lớn người dân đồng tình với việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể, nhưng còn băn khoăn về cơ chế, chính sách di dời, bồi thường, tiến độ dự án, nhất là liên quan hệ số bồi thường và việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Sau khi nghe các trình bày của người dân, đại diện UBND quận, Ban Quản lý dự án quận, UBND các phường Trung Tự và Kim Liên cam kết sẽ thông tin kịp thời đến người dân tiến độ của nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch.

Tại quận Ba Đình, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, UBND quận đã tổ chức các hội nghị công khai, minh bạch, lấy ý kiến hộ dân về các nội dung liên quan cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát. Dự kiến, 218 hộ dân với 771 nhân khẩu ở khu nhà tập thể Thành Công sẽ được tái định cư tại chỗ ở vị trí nhà G6A, G6B hiện nay với hệ số đền bù K=2 (nhà có diện tích 40m2 sẽ được tái định cư căn hộ rộng khoảng 80m2).

Với phương án này, nhiều ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của TP Hà Nội về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, song vẫn băn khoăn về phương án xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân, đặc biệt là chất lượng nhà tái định cư. Đáng chú ý, có nhiều hộ dân tòa G6A đã đi tạm cư đến 6 năm, rất mong mỏi các cấp, các ngành chức năng sớm có phương án khả thi để dự án sớm được triển khai đưa người dân quay lại sinh sống, ổn định, tránh thiệt thòi cho người dân.

Phần lớn người dân đều đồng tình, ủng hộ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm để cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Nghiêm Xuân Tuy (nhà G6A) cho biết, gia đình ông đã đi tạm cư từ cuối năm 2017, rất phấn khởi khi thấy có tiến triển mới của việc cải tạo lại chung cư cũ.

Khu tập thể nhà C8 Giảng Võ, quận Ba Đình được đánh giá ở mức độ nguy hiểm cấp D

Cùng nhau gỡ vướng

Thực tế, vướng mắc ở phía người dân là một phần quan trọng đang cần tháo gỡ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết như: trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo; xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường; tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Theo phân tích của GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để cải tạo chung cư cũ, việc xã hội hóa thôi chưa đủ mà cần phải hài hòa 3 yếu tố. Thứ nhất đó là chính sách đất cho nhà chung cư được sử dụng dài hạn và thiếu phù hợp với cách thức phát triển nhà ở chung;

Thứ hai đó là theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu; Thứ ba đó là cách thức để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước mắt Hà Nội sẽ tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như rà soát kế hoạch triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của địa phương để điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đồng thời tập trung triển khai theo Kế hoạch đã đề ra nhằm đảm bảo tiến độ theo Đề án và các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của TP, cùng với đó phối hợp với các Sở để tìm phương án giải quyết hợp lý, nhanh chóng.

Trong khi đó, ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, cần có thêm tiêu chí độ khó khăn của mỗi dự án để từ đó thành phố có những cơ chế đặc thù cho một số dự án (như xem xét việc điều chỉnh quy hoạch để được nâng tầng hoặc mở thêm đường giao thông, hỗ trợ chủ đầu tư được nhận thêm đất trống khác để bù đắp...).

Để tháo gỡ các bất cập kéo dài liên quan việc cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 được kỳ vọng tháo gỡ thêm nhiều nút thắt, sớm cải tạo hàng trăm chung cư cũ hiện nay.

Triệu Tâm