Đề xuất ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm (gọi là cơ sở giáo dục) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo nêu rõ mục tiêu và nguyên tắc xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật. Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kế hoạch, xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế trong hoạt động giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm.

Các cơ sở giáo dục công lập xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục; xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo để thực hiện các dịch vụ giáo dục đào tạo do cơ sở giáo dục cung cấp. Thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật

Căn cứ vào tình hình thực tế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các cơ sở giáo dục có thể phân loại định mức kinh tế kỹ thuật theo các nhóm sau:

Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp Bộ là định mức kinh tế - kỹ thuật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các dịch vụ giáo dục đại học để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp địa phương là định mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các ngành, nghề thuộc dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông, dịch vụ giáo dục trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, dịch vụ giáo dục thường xuyên của địa phương để áp dụng trong phạm vi các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương.

Định mức kinh tế - kỹ thuật theo 05 nhóm Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật gồm: Quy định về chương trình giáo dục, chương trình đào tạo, chuẩn khối lượng kiến thức, chuẩn năng lực đầu ra của người học tương ứng mỗi cấp học và trình độ đào tạo.

Quy định Điều lệ trường mầm non; Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên; trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, trường đại học; định mức, chế độ làm việc của nhà giáo, nhân viên hành chính, nhân viên phục vụ; định mức trang thiết bị giảng dạy, học tập.

Điều kiện thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục về cơ sở vật chất, bao gồm: công trình xây dựng, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, sách giáo khoa, tài liệu.

Nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật

Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý; phục vụ...).

Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...

Định mức lao động gián tiếp được tính theo tỷ lệ % của lao động trực tiếp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh