Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 7/1/2024: Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 14,5 triệu đồng

Giá vàng trong nước cao hơn á vàng thế giới 14,5 triệu đồng

Sau khi bất ngờ “lao dốc”, giá vàng trong nước rạng sáng nay ổn định quanh ngưỡng 75 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau: Giá vàng ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 72 triệu đồng/lượng mua vào và 75,02 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Thị trường vàng thế giới trong tuần này trầm lắng khi giá biến động ở biên độ tương đối hẹp. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.045,3 USD/ounce, giá vàng kỳ hạn tháng 2 neo ở mức 2.052,6 USD/ounce, giảm 1% so với tuần trước.

Với giá vàng trong nước ổn định và giá vàng thế giới neo ở mức 2.045,3 USD/ounce (tương đương gần 60,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 14,5 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 14,5 triệu đồng/lượng

Xuất bán 267.000 tấn ‘vàng đen’, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ

Hạt tiêu ở nước ta được ví như “vàng đen”, chiếm 60% sản lượng trên toàn cầu. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD. So với năm 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng 16,6%, nhưng giá trị lại giảm 6%.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022. Trong cơ cấu chủng loại xuất khẩu hạt tiêu của nước ta năm 2023, hạt tiêu đen chiếm đến 71,2%, còn lại là hạt tiêu trắng, hạt tiêu xay.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là khách hàng lớn nhất khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của nước ta tính đến hết tháng 11 năm 2023. Hiện, Việt Nam giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ.

Thị trường xe máy Việt Nam giảm 25% doanh số

Theo công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), 5 thành viên gồm Công ty Honda Việt Nam, Công ty Việt Nam, Công ty Việt Nam Suzuki, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã bán được 681.963 xe trong quý IV/2023, tăng 11,68% so với quý trước và giảm 18,03% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung, cả năm 2023, 5 ông lớn xe máy bán ra thị trường 2.516.212 chiếc. Nếu so với doanh số bán xe máy năm 2022 do VAMM cung cấp là 3.003.160 xe thì doanh số bán xe của năm 2023 đã bị giảm mạnh.

Như vậy sau khi đà giảm về doanh số bán xe trong 3 năm liên tiếp được thay đổi với kết quả bán hàng tốt của năm 2022 thì tới năm 2023, thị trường xe máy lại rơi vào khó khăn.

Thị trường xe máy lại rơi vào khó khăn

Lượng trái phiếu chậm trả lãi đã giảm

Tin tức từ dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố, 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 12/2023 với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1%). Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, tương đương 56,5% tổng giá trị. Theo ngay sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Trong tháng 12/2023, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024, ước tính có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đáng lưu ý theo VBMA, số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc trong tháng 12 với tổng giá trị 545 tỷ đồng. Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn, với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Nhiều chặng bay tết có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%

Theo báo cáo của các Hãng hàng không Việt Nam, tính đến thời điểm này, nhiều chặng bay nội địa trong dịp Tết Nguyên đán đã có tỷ lệ đặt chỗ lên tới hơn 90%. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh - Huế (92,44%), TP.Hồ Chí Minh - Pleiku (90,82%), TP. Hồ Chí Minh - Tuy Hòa (84,53%), TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa (93,08%), TP. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn (92,39%), TP. Hồ Chí Minh - Quảng Bình (88,96%), TP. Hồ Chí Minh - Vân Đồn (100%), TP. Hồ Chí Minh - Vinh (89,03%).

Trong đó, chiều từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đi các sân bay địa phương, một số chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao rơi vào các ngày trước Tết Âm lịch (từ 1/2 đến 9/2, tức 22 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp Âm lịch). Với chiều từ các sân bay địa phương về TP. Hồ Chí Minh, các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao rơi vào các ngày sau Tết Âm lịch (từ 13/2 đến 19/2, tức mùng 4 tháng Giêng tới 10 tháng Giêng Âm lịch).

Lê Na