Điều hành giá xăng dầu linh hoạt, tránh gây sốc

Sau 5 lần liên tiếp giảm giá, một lần giữ nguyên, giá xăng trong nước được dự báo tăng tại kỳ điều hành sắp tới. Đại diện một doanh nghiệp (DN) xăng dầu dự báo giá xăng có thể tăng 300 - 400 đồng/lít, dầu tăng mạnh 2.300-2.400 đồng/lít. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc việc trích lập và chi quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu.

Điều chỉnh đúng ngày để tránh găm hàng

Theo quy định, kỳ điều hành giá tới vào ngày 1-9 nhưng do trùng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nên cơ quan quản lý dự kiến lùi đến ngày 5-9. Nhưng trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) kiến nghị nên điều chỉnh đúng vào ngày 1-9. Theo VINPA, tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, song giá thành phẩm thế giới, nhất là dầu diesel, tăng mạnh từ sau kỳ điều hành ngày 22-8. Cập nhật đến ngày 25-8, giá dầu diesel tăng tới 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22-8. Trường hợp điều hành giá xăng dầu vào ngày 5-9, tức chậm hơn chu kỳ thông thường, có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước không phản ánh đúng xu hướng giá thế giới. Điều này gây khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung, thậm chí có thể tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường. Còn nếu vẫn điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1-9 sẽ giảm bớt khó khăn cho DN đầu mối, vừa thuận lợi cho các đơn vị trong tạo nguồn phục vụ kỳ nghỉ lễ 2-9.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình với kiến nghị của VINPA và đề nghị cơ quan chức năng điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như vào đầu năm 2022. Nếu để qua kỳ nghỉ lễ mới điều hành giá sẽ tác động đến thị trường cung - cầu. DN lo ngại lỗ nên có thể xảy ra tình trạng găm hàng chờ tăng giá, gây bất ổn cho thị trường.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cũng cho rằng nếu giá xăng được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn sẽ không xảy ra tình trạng DN phải đóng cửa, găm hàng chờ giá lên. "Kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày với nhiều biến động trên thị trường, công tác điều hành giá không thể máy móc chờ qua lễ được. Trước đây, thời gian giữa 2 kỳ điều hành giá là 15 ngày, sau đó rút xuống còn 10 ngày. Như vậy, dù nghỉ lễ 4 ngày cũng cần điều hành giá đúng ngày 1-9 để sát với diễn biến giá của thị trường thế giới" - ông Long nhấn mạnh.

Thực tế, những ngày vừa qua, thị trường xăng dầu trong nước đã phát sinh một số yếu tố bất ổn khi giá xăng dầu thế giới tăng trở lại, không ít cây xăng treo biển thông báo "hết hàng". Như tại tỉnh Bình Thuận, nhiều ngư hộ không thể mua được dầu để ra khơi do các cây xăng trên địa bàn thông báo hết hàng. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, sau thời gian giá xăng dầu thế giới bớt căng thẳng về nguồn cung, giá cũng giảm thì trong tuần vừa qua, nguồn cung lại khá căng, giá cả biến động mạnh theo chiều hướng tăng trở lại. Dù vậy, ông Đông khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho tiêu dùng và hoạt động sản xuất.

Giá xăng dầu có thể tăng đáng kể trong đợt điều chỉnh sắp tới. Ảnh: TẤN THẠNH

Bỏ hay giữ quỹ bình ổn giá?

Trước mỗi kỳ điều hành giá, câu chuyện quỹ BOG xăng dầu lại được đề cập với các luồng ý kiến bỏ hay tiếp tục giữ quỹ này. "Van" điều tiết này từng hãm đà tăng sốc giá xăng nhưng cũng khiến giá xăng giảm không sát với thế giới khi thực hiện trích lập quỹ. Ở thời điểm giá xăng lập đỉnh gần 33.000 đồng/lít vào tháng 6 vừa qua, quỹ BOG cạn, không đủ sức kìm đà tăng của mặt hàng quan trọng này.

Trong khi đó, tại 5 kỳ xăng giảm giá liên tiếp vừa qua, giá có thể giảm sâu hơn nếu không trích quỹ BOG. Cụ thể, tại kỳ điều hành gần nhất, ngày 22-8, mỗi lít xăng E5 RON92 trích 451 đồng (kỳ liền kề trước là 700 đồng) vào quỹ, xăng RON95 trích 493 đồng (kỳ liền kề trước trích 750 đồng). Việc trích quỹ ở mức cao, theo giải thích của liên bộ Công Thương - Tài chính, là nhằm khôi phục quỹ để điều hành giá trong thời gian tới, khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường.

Do quỹ BOG không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước nên có thể hiểu là khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao, tức người dân nộp tiền trước để "bình ổn" cho chính mình. Liên quan đến quỹ này, 24 DN, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị bỏ trích quỹ vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và gây bất ổn trong điều hành quản lý giá. Việc bỏ quỹ BOG xăng dầu cũng được đề cập tại dự thảo sửa đổi Luật Giá do Bộ Tài chính đang xây dựng. Theo đó, cơ quan này cho rằng việc bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ BOG là để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng khi nhà nước điều hành giá xăng dầu thì vẫn cần duy trì quỹ BOG để tránh những cú sốc về giá khi thị trường thế giới biến động mạnh. Chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước biến động sát với diễn biến giá thế giới theo ngày thì mới tính đến việc bỏ quỹ này. Ông đề nghị trước mắt cần tính toán để việc trích lập và chi quỹ một cách khoa học, phù hợp. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng nêu quan điểm việc bỏ quỹ BOG khi giá xăng dầu tại thị trường trong nước chưa thật sự theo kịp thế giới là rất khó, muốn bỏ thì cần có một cơ chế khác để điều hành giá.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng đã đến lúc bỏ quỹ BOG. Bởi theo ông, việc duy trì quỹ này không mang lại lợi ích cho người dân, vì bản chất là trích tiền của chính người tiêu dùng để bù đắp giá trong các kỳ điều hành giá sau đó. Việc duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể, nên để giá xăng dầu vận hành theo thị trường.

MINH CHIẾN