Doanh nghiệp và trường nghề ở Hải Dương - những cái 'bắt tay' hờ hững

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương thực hành nghề may

Liên kết giữa doanh nghiệp với các trường nghề trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tạo cơ hội để giúp cả 2 cùng phát triển nhưng lâu nay sự “bắt tay” này còn lỏng lẻo.

Tự “bơi”

Hiện chưa có hoặc rất ít liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề trong và ngoài Hải Dương để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Đây là thông tin khiến các thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030" khá bất ngờ khi làm việc với một doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cầm Giàng).

Ông Mori Takuto, Trưởng Phòng Nhân sự công ty này cho biết công ty hiện có hơn 10.000 lao động nhưng phần lớn doanh nghiệp tự đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Khi công nhân mới được tuyển dụng, họ sẽ có ít nhất 3 ngày được hướng dẫn kỹ năng nghề tại doanh nghiệp trước khi tham gia vào các dây chuyền sản xuất.

Gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021. Liên kết này không chỉ có ý nghĩa với người học mà còn với nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Nhưng thực tế hiện nay, liên kết này chưa đạt được như kỳ vọng.

Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực nhưng ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương vẫn khẳng định mối liên kết này chưa thực sự bền chặt. Nhà trường đang hợp tác với hơn 40 doanh nghiệp, trong đó có hơn 80% là doanh nghiệp của Hải Dương để cung ứng nhân lực nhưng mới chỉ có một phần nhỏ học sinh, sinh viên ra trường mỗi năm có việc làm theo các hợp tác này.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đầu năm nay, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề hiện vẫn là khâu yếu trong giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp chưa thực sự đóng góp và có trách nhiệm với giáo dục nghề nghiệp và ngược lại trường nghề vẫn loay hoay cung ứng nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là thực trạng ở Hải Dương.

Liên kết “3 nhà”

Công ty TNHH Long Sơn (Kim Thành) vẫn chưa liên kết với nhiều cơ sở giáo dục nghề để cung ứng, đào tạo nhân lực

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% số lao động của tỉnh và đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Để đạt mục tiêu này thì mối liên kết “3 nhà” gồm: nhà nước, nhà trường và nhà kinh doanh cần bền chặt.

Để tạo thành thế chân kiềng vững chắc trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, ông Dương Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn (Kim Thành) kỳ vọng thời gian tới nhà nước có thể đầu tư nhiều hơn cho hoạt động gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, chất lượng cao. Đặc biệt có chính sách đãi ngộ tốt với giáo viên trường nghề. Thực tế hiện nay do thu nhập thấp, nhiều giáo viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bỏ nghề đẩy một số trường vào tình cảnh thiếu giáo viên, nhất là giáo viên giỏi và có kinh nghiệm.

Khi nhà nước quan tâm đầu tư, tạo chính sách, cơ chế thông thoáng cho phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia vào mối liên kết này. Hải Dương có thể khuyến khích các doanh nghiệp cùng hợp tác với các cơ sở giáo dục hỗ trợ giảng dạy phần thực hành của môn học. Với kinh nghiệm từ thực tế, doanh nghiệp có thể hỗ trợ sinh viên, học sinh hoàn thành phần thực hành thuận lợi hơn. Doanh nghiệp có thể tài trợ các dây chuyền, máy móc hiện đại phục vụ cho học nghề, giúp học viên tiếp cận thực tế sản xuất ngay từ khi còn học trong trường. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận sự góp ý của doanh nghiệp vào chương trình đạo tạo để giảng dạy sát với nhu cầu”, ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương khẳng định.

Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khi làm việc với doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của huyện Cẩm Giàng đã cho rằng: “Các trường nghề cần năng động, thay đổi công nghệ, phương pháp giảng dạy, nắm bắt xu thế và các nghề có thể hình thành trong tương lai để đào tạo theo nhu cầu xã hội. Muốn làm được điều này, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng chiến lược hợp tác bài bản với doanh nghiệp”.

Thời gian gần đây, Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương thành lập tổ công tác, phòng chuyên môn phụ trách hợp tác với doanh nghiệp. Đó cũng là cách làm các trường nghề nên tham khảo. Cùng với đó cần xây dựng các chính sách, quy định rõ ràng về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác với doanh nghiệp; lộ trình chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, chỉ tiêu đào tạo hằng năm dựa vào nhu cầu lao động của doanh nghiệp…

BẢO ANH