Doanh thu TSMC tăng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu chip AI

CNBC dẫn kết quả kinh doanh quý 1/2024 của cho thấy, doanh thu đạt 18,87 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 5% so với chỉ tiêu đặt ra là 17,8 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 6,9 tỷ USD, tăng 8,9%, vượt 6% so với dự kiến 6,5 tỷ USD.

Theo CNBC, giới chuyên gia nhận định, kết quả trên có được là nhờ nhu cầu chip bùng nổ trên toàn cầu. Nhu cầu về chip AI để phục vụ cho các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, thiết bị viễn thông thế hệ mới, máy tính hiệu suất cao và các loại chip để sử dụng trong các sản phẩm khác từ ô tô cho đến thiết bị y tế ngày càng gia tăng, điều này đã khiến "sổ đặt hàng" của TSMC luôn đầy ắp. Giá cổ phiếu của TSMC cũng ghi nhận mức tăng trưởng 56% trong vòng một năm qua.

Ông Brady Wang, Phó giám đốc tại Counterpoint Research cho biết: "TSMC có lợi thế để phát triển nhờ vào xu thế thị trường. Nhu cầu tăng đối với chip tiên tiến, đặc biệt là những loại chip được sử dụng trong các ứng dụng AI, là một dấu hiệu tích cực cho cả ngắn hạn và dài hạn".

Hiện TSMC sản xuất chip 3nm (nanomet) và có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip 2nm vào năm 2025. Chip có kích thước nanomet nhỏ hơn sẽ có khả năng xử lý mạnh và hiệu quả hơn.

Ông C.C.Wei, Giám đốc điều hành TSMC chia sẻ, hầu hết công ty đổi mới liên quan đến lĩnh vực AI đều đang hợp tác với TSMC để giải quyết nhu cầu lớn liên quan đến công nghệ tiên tiến. Đồng thời, ông bày tỏ mong đợi năm 2024 có thể mở rộng tệp khách hàng và giữ vững vị trí dẫn đầu về công nghệ để có một năm tăng trưởng thuận lợi.

"Trong quý 2/2024, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đối với các công nghệ chip đầu ngành như 3nm và 5nm sẽ đóng góp cho hoạt động kinh doanh. Công ty ước tính phần đóng góp doanh thu từ bộ xử lý AI lên hơn gấp đôi trong năm nay. Dự kiến doanh thu quý 2/2024 của TSMC đạt từ 19,6-20,4 tỷ USD," CEO TSMC thông tin.

Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành. Điều này khiến hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.

Đồng thời, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người bằng cách thực hiện tự động các quy trình kinh doanh và công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sai sót do con người gây ra.

"Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu," chuyên gia Frances Karamouzis nói.

Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Hà Anh