Đối mặt nhiều khó khăn, xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội cuối năm

Đối mặt nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội trong cuối năm. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, mặc dù giảm 11% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 24,9%); trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước tăng 10,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 7,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,4%.

Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022.

Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 18,9%).

Đáng chú ý, trong 9 tháng, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Về nhập khẩu hàng hóa, trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.

Có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 19,8%; ASEAN ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 8,9%; EU ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 8,4%; Hoa Kỳ ước đạt 11 tỷ USD, giảm 6%.

Nhận định tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, dịch COVID -19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm.

Cùng với đó, tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới.

“Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này”, đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn.

Bộ Công Thương cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường cũng xuất hiện nhiều bất lợi như tác động của thị trường xăng dầu thế giới cùng nhiều yếu tố địa chính trị khác sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp rắp linh kiện điện tử, chế biến gỗ… Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững, đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Thu Trang/Báo Tin tức