Đối mặt với thách thức của nghề báo thời 4.0 bằng công tác đào tạo

Những thách thức phía trước

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của loài người. Vấn đề ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là các sản phẩm mang tính công nghệ cao như Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo, công nghệ rô bốt, các hệ thống tích hợp, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, phân tích dữ liệu lớn và giáo dục thông minh.

Các mô hình về hội tụ công nghệ ra đời và các dòng sản phẩm báo chí kiểu mới cũng dần dần khẳng định vị thế trong các hoạt động báo chí - truyền thông như: Báo chí di động, báo chí dữ liệu, megastory/long form,... Các phương tiện truyền thông mới ra đời cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động và cơ cấu của các kênh báo chí - truyền thông. Mạng xã hội và truyền thông xã hội đang dần chứng tỏ vị thế của mình trong công chúng.

Các nhà báo tác nghiệp báo chí Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhà báo nhằm đảm bảo tính hội nhập trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ là nhu cầu tất yếu, kéo theo đó là sự phát triển vượt bậc của các công nghệ truyền thông... Cùng với sự phát triển vượt bậc của các ngành nghề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ mà đặc biệt là công nghệ thông tin vào đời sống kinh tế xã hội, nhu cầu về nguồn nhân lực của các ngành liên quan đến công nghệ như truyền thông đa phương tiện, báo chí di động, báo chí dữ liệu ở Việt Nam đã ngày càng tăng cả về số và chất lượng. Ngành truyền thông đa phương tiện được xem là một trong năm nghề “nóng” nhất Việt Nam khi chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới.

Trong thực tế, một số đơn vị đào tạo về công nghệ truyền thông đã từng bước đáp ứng được một phần nhu cầu về nguồn nhân lực liên quan đến kỹ nghệ và công nghệ truyền thông như Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ngành Truyền thông đa phương tiện; Truyền thông đại chúng); Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên (Ngành Công nghệ truyền thông); Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ngành Quan hệ công chúng);...

Tuy nhiên, các ngành học này mới chỉ đáp ứng được một phần về quản lý, thiết kế sản phẩm truyền thông trên nền tảng công nghệ thông tin mà chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về đào tạo đội ngũ nhà báo giỏi về công nghệ, vững về chuyên môn nghiệp vụ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 - một kỷ nguyên mới của báo chí, truyền thông đã ra đời, đó là kỷ nguyên của công nghệ và kết nối. Để phát triển báo chí trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố về hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan, tổ chức; phát triển kinh tế báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số; nghiên cứu và thực hiện các giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành truyền thông nhằm đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển, đặc biệt là đội ngũ nhà báo 4.0 và nhà quản lý báo chí - truyền thông đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương xứng.

Yếu tố đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân là lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội,... thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Vấn đề đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhà báo trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0 đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Đào tạo nguồn nhân lực báo chí trong xu thế cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một nhà báo hiện đại cần có các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời phải có các kỹ năng sử dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, tổ chức nội dung hay các kỹ năng như tương tác và xử lý thông tin trên mạng xã hội. Để có thể làm được như vậy, một số giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông cần đảm bảo các yêu cầu sau.

Đào tạo và đào tạo lại kỹ năng làm báo hiện đại. Với báo chí 4.0 mà đặc trưng là các thành phần thông minh và kết nối thì mỗi nhà báo cần phải hội tụ được các yếu tố: chuyên môn, nghiệp vụ và công nghệ, đặc biệt là báo chí dữ liệu, báo chí di động và báo chí thông minh. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở và tổ chức báo chí - truyền thông theo hướng chuyên môn hóa và hiện đại hóa, trong đó đào tạo đội ngũ nhà báo, nhà quản lý hiểu và nắm rõ về vấn đề hội tụ trong truyền thông, đặc biệt là hội tụ về công nghệ. Tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH, đơn vị nghiên cứu với các tổ chức, cơ quan báo chí. Đây là điều kiện để nhà báo có thể tiếp cận đến các môi trường đào tạo/thực hành. Tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn trong và ngoài nước để học tập/trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà báo và các đơn vị.

Thực hiện tốt việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí - truyền thông sẽ góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ nhà báo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà báo 4.0.

Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giảng dạy về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội, về sự phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường truyền thông mới,… đang là nội dung quan trọng được giảng dạy tại các trường ĐH. Đào tạo báo chí tại Việt Nam không chỉ cần chú trọng kỹ năng tác nghiệp mà phải đào tạo toàn diện, đặc biệt về chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên sâu về văn hóa xã hội, và phải chỉ ra cho người làm báo giá trị cốt lõi, định hướng phát triển báo chí truyền thông của Việt Nam trong tương lai.

Anh Hùng