Đời sống đồng bào Gia Lai đổi thay từ những cây cầu dân sinh

Niềm vui từ những chiếc cầu

Mùa mưa lũ năm nay, anh Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) không còn phải vất vả vượt suối để đi làm rẫy mỗi ngày vì đã có cây cầu bê tông kiên cố, vững chãi bắc qua suối Đak Pơ Pho.

Gia đình anh có 1,3 ha đất sản xuất ở bên kia cầu. Mùa mưa, nước suối dâng cao chia cắt con đường duy nhất dẫn đến khu vực sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây. Có người liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà. Điều này rất nguy hiểm. Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản thường xuyên bị ùn ứ.

Khi chưa có những cây cầu dân sinh người và động vật đều phải lội sông suối vô cùng nguy hiểm.

“Chỉ cần một cơn mưa, phải chờ 2-3 ngày khi nước rút bớt thì xe công nông mới có thể vượt suối. Giờ có cây cầu chúng tôi không còn lo sợ hiểm nguy rình rập, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình”, anh Song cho hay.

Ông Trương Quang Giàu - Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho khẳng định: “Cây cầu dân sinh này đã đáp ứng mong đợi lâu nay của người dân. Từ khi có cây cầu, việc đi lại, vận chuyển nông sản được đảm bảo, cuộc sống của người dân trong xã dần ổn định. Công trình cũng tạo liên kết giữa các vùng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương”.

Trước đó, cuối năm 2019, cầu dân sinh làng Hrach Kôn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) cũng đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 18 m với tổng mức đầu tư 1,791 tỷ đồng.

Ông Khương Đình Huy - Chủ tịch UBND xã Chư Krêy-cho biết: Làng Hrach Kôn có 45 hộ dân sinh sống với phần đất sản xuất trên 153 ha. Trước đây, vào mùa mưa, việc đi lại vô cùng khó khăn, làng thường xuyên bị cô lập bởi dòng suối chia cắt, nhiều lúc học sinh không thể đến trường. Giờ đây, bà con rất vui mừng vì đã có cầu xây kiên cố, giao thông đi lại thông suốt.

Theo báo cáo của phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện đã có 6 cây cầu dân sinh với kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng, phân bổ ở một số xã vùng khó như: cầu Hrach Kôn (Chư Krêy); cầu Pnan, Chđai (Sró); cầu Lơ Pơ (Yang Nam); cầu Đak Pơ Pho (Đak Pơ Pho) và cầu Djrao (Đak Song). Các công trình này đã hỗ trợ người dân đi lại thuận tiện, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ.

6 cây cầu được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện nằm trong số 86 cây cầu được xây mới tại Gia Lai với vốn đầu tư khoảng 208 tỷ đồng. Các cây cầu sau khi hoàn thành đều phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Giúp người dân phát triển kinh tế

87 chiếc cầu dân sinh hoàn thành, không chỉ giúp người dân đi lại an toàn, còn giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thống kê của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 87 cầu dân sinh được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng, đa số là ở vùng sâu vùng xa, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào thiểu số.

Những cây cầu dân sinh hoàn thành đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Những vị trí được chọn để xây dựng cầu đều thuộc các thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất ATGT cao…

Ông Kpah H’lot, một người dân ở làng Broch, xã Ia Khươi, H.Chư Pah (Gia Lai) vui mừng nói: “Ngày trước chúng tôi phải làm cây cầu tạm bắc qua suối mà đi. Nguy hiểm lắm. Đã có nhiều trường hợp xe máy chở nông sản bị rơi xuống suối, suýt mất mạng. Nông sản làm ra bà con phải chở vất vả lắm. Nay có cầu, nông sản của bà con chở được nhiều, nhanh hơn và cũng không còn lo sợ khi qua cầu như ngày trước. Nhà tôi có 5 sào ruộng bên kia sông, có cây cầu một năm tôi cũng tiết kiệm được đến 20 triệu đồng tiền vận chuyển nông sản!”.

Tại 16 huyện, thị xã, thành phố của Gia Lai đều có những cây cầu dân sinh được xây dựng khẩn trương, kịp thời như thế để giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo thêm những vùng dân cư trù phú, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, cho biết: “Ban Quản lý dự án cùng với chính quyền địa phương đã cố gắng khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công do thời tiết có những diễn biến bất lợi, mùa mưa kéo dài song kế hoạch đã được thực hiện đúng tiến độ. Toàn bộ 87 cây cầu, hầu hết được xây dựng ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa đều được thi công xong năm 2020, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng”.

Văn Tư- Nhân Ái