Đời thật hay 'thế giới ảo': Vẫn cần 'sống đẹp' và tôn trọng pháp luật

Thời gian qua, hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube được sử dụng để "bóc phốt", thóa mạ các tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều. Đáng nói những buổi livestream ấy lại được rất đông cư dân mạng hóng chờ. Đơn cử gần đây cái tên N.P.H- CEO của một doanh nghiệp- liên tục chiếm sóng trên khắp các trang mạng xã hội. Những buổi livestream của bà H. thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem.

Những màn đấu tố, bêu rếu, vạch trần thói hư tật xấu, thậm chí sử dụng ngôn từ xúc phạm một bộ phận giới nghệ sĩ đã trở thành "món ăn" của nhiều người trên mạng xã hội. Hay như những màn livestream bán hàng kèm chửi tục đang trở thành trào lưu được nhiều chủ shop cùng học theo để tìm kiếm người xem, để câu tương tác. .. Tất cả những điều đó đang biến không gian mạng trở thành nơi hành xử phi văn hóa.

Tuy sử dụng không gian ảo để đấu tố, xỉ vả, thách thức nhau nhưng những câu chuyện ấy đã gây nên những xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hàng ngày. Đã đến lúc cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải có những chế tài mạnh mẽ và dư luận xã hội phải phê phán những người hăng say với đấu tố và lăng mạ người khác, yêu cầu họ phải giữ được sự bình tĩnh, nhìn nhận sự việc một cách khách quan và nhận thức được những gì tốt đẹp, thiện lương. Mạng xã hội đang bị lạm dụng để nói bất cứ thứ gì họ muốn mà không nghĩ đến hậu quả gây ra cho xã hội và cho chính mình cũng như cho thế hệ sau của mình. Bởi ở nơi đó, lời nói gió không bay…

Pháp luật không cấm mọi người bày tỏ chính kiến, đề xuất nguyện vọng hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong đời sống và livestream là một hình thức không sai. Tuy nhiên, việc lợi dụng không gian ảo để công kích cá nhân, bôi nhọ nhân phẩm, bới móc đời tư hoặc dựng chuyện để xúc phạm nhân phẩm người khác lại cần được xem xét dưới góc độ pháp luật (ảnh: Báo Thanh niênn)

Trước tiên xin được khẳng định, pháp luật không cấm mọi người bày tỏ chính kiến, đề xuất nguyện vọng hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong đời sống và livestream là một hình thức không sai. Tuy nhiên, việc lợi dụng không gian ảo để công kích cá nhân, bôi nhọ nhân phẩm, bới móc đời tư hoặc dựng chuyện để xúc phạm nhân phẩm người khác lại cần được xem xét dưới góc độ pháp luật. Bởi không thể lợi dụng nó để "muốn nói sao thì nói" hay sử dụng ngôn ngữ "chợ búa", tục tĩu, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng là những hành vi cần được chấn chỉnh.

Trở lại với buổi livestream gần đây nhất với chủ đề "Đại hội vạch mặt" và sử dụng nhiều lời lẽ thô tục như "con rắn độc", "quỷ đội lốt người", "sát thủ không tầm thường"... , bà N.P.H đã có một pha "bẻ lái" rất thiếu tôn trọng cơ quan nhà nước. Bởi trước đó bà H. đã hứa với Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM là không livestream nữa nhưng sau lại lách bằng cách chuyển địa điểm livestream về Bình Dương, nơi mà bà chưa từng hứa với cơ quan việc quản lý Nhà nước về thông tin-truyền thông, ở đây cụ thể là Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương. Chưa kể tới cách sử dụng một loạt từ ngữ, ví von mang tính miệt thị, nhục mạ.

Có những điều bà H. đề cập đến trong các buổi livestream không sai về mặt nội dung câu chuyện, như việc nghệ sĩ H.L nhận 14 tỉ của người hâm mộ để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt nhưng đã 6 tháng rồi vẫn chưa giải ngân. Và chỉ sau khi được bà H. đề cập đến, nam nghệ sĩ và ê kíp của mình mới vội vã giải ngân… Chưa kể đến những phát ngôn phản cảm, thô tục hay việc tiếp tay quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, cổ xúy cho lối sống hoang phí… của nghệ sĩ.

Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây, những góc khuất của showbiz, những việc làm vi phạm đạo đức của cá nhân nào đó... bà N.P.H. nếu có đủ chứng cứ hoàn toàn có thể tố cáo đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý, góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh chứ không thể dùng cách livestream dày đặc với ngôn từ thiếu chuẩn mực để công kích, gây sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trước tiên xin được khẳng định, pháp luật không cấm mọi người bày tỏ chính kiến, đề xuất nguyện vọng hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong đời sống và livestream là một hình thức không sai. Tuy nhiên, việc lợi dụng không gian ảo để công kích cá nhân, bôi nhọ nhân phẩm, bới móc đời tư hoặc dựng chuyện để xúc phạm nhân phẩm người khác lại cần được xem xét dưới góc độ pháp luật. Bởi không thể lợi dụng nó để "muốn nói sao thì nói" hay sử dụng ngôn ngữ "chợ búa", tục tĩu, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng là những hành vi cần được chấn chỉnh. Hơn nữa, sự việc này còn là một tiền lệ xấu để nhiều người học theo, biến thế giới ảo thành nơi rủa xả, bới móc đời tư, nơi người ta "vô tư" thể hiện cách hành xử vô văn hóa.

Nói điều này để thấy, những góc khuất của giới showbiz cần sớm được cơ quan chức năng chấn chỉnh. Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông có chức năng quản lý nhà nước về không gian mạng, Bộ VHTTDL đã có những động thái kịp thời nhằm ngăn chặn sự việc sai trái này. Mới đây, Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội…

Còn Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng thời gian gần đây một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật. Trong số đó có các nội dung cần ngăn cấm triệt để như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, quảng cáo sai trái,... Những hành động này đã gây ra sự bức xúc trong dư luận và gây mất đoàn kết trong xã hội. Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TT&TT, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này.

Luật An ninh mạng, luật Hình sự, luật Dân sự… cũng đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết. Nếu ai đó lợi dụng không gian mạng để làm nhục, bôi nhọ, vu khống tổ chức, cá nhân hoặc truyền thông tin không đúng sự thật mà lan truyền cho nhiều người khác thì cá nhân đó vi phạm pháp luật. Đã đến lúc cơ quan chức năng và chính mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội cần phải chung tay để dọn sạch rác trên không gian mạng. Cơ quan chức năng không thể phạt tương trưng, hay nhắc nhở rút kinh nghiệm, ký cam kết mà cần mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn hiện tượng livestream lệch chuẩn, bôi xấu, xúc phạm người khác trên mạng xã hội. Còn với mỗi cá nhân, không gì thay thế được ý thức công dân và trách nhiệm của mỗi người dùng mạng xã hội. Chỉ có như vậy thì không gian mạng mới sớm được trả lại sự trong lành, văn minh và lành mạnh. Để người cần nói cũng như những ai cần nghe đều được "sống đẹp", dù trong đời thật hay thế giới ảo.

Thái Bình