Đón lời Putin, ông Biden hẹn 'một ngày nào đó'

Thông tấn TASS của Nga mới đây dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về khả năng có cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin, đáp lại lời đề nghị trước đó của nhà lãnh đạo Nga.

Tổng thống Biden từ chối lời đề nghị đối thoại của ông Putin.

"Tôi chắc rằng chúng ta sẽ nói chuyện vào một lúc nào đó" - Tổng thống Biden nói với các nhà báo hôm thứ Sáu.

Câu trả lời không có thời gian cụ thể của Tổng thống Mỹ cho thấy sự né tránh khéo léo về khả năng ông đối mặt với nhà lãnh đạo tài năng của Nga.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ có phát ngôn gay gắt nhằm vào nhà lãnh đạo Nga. Ông Biden nhận được câu hỏi liệu ông có tin rằng Tổng thống Nga (Putin) là kẻ sát nhân hay không, Tổng thống Biden đáp: "Tôi cho là vậy". Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo ông Putin sẽ phải trả giá vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, điều mà Điện Kremlin luôn phủ nhận.

Trước khi ông Biden chính thức ra mặt đáp lời ông Putin, Thư ký báo chí của Nhà Trắng là Jen Psaki đã vội vàng thông báo rằng do bận rộn ông Biden sẽ không thể tham gia tranh luận.

Phát ngôn được cho là "thiếu sự cẩn trọng" và mang tính cáo buộc cá nhân nhằm vào Tổng thống Nga đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở các quan chức Nga song ngay bản thân ông Putin lại hoàn toàn bình tĩnh.

Ông Putin đã nói về các cáo buộc can thiệp bầu cử trước, đính kèm các nội dung về "kẻ sát nhân".

Tổng thống Nga đã nói về “người châu Âu chiếm lục địa châu Mỹ có liên quan đến việc thảm sát người dân bản địa, đây là tội ác diệt chủng trực tiếp đối với các bộ tộc da đỏ. Và sau đó là một giai đoạn nô lệ kéo dài gian khổ".

"Đã có nhiều sự kiện khó khăn, kịch tính và đổ máu trong lịch sử của mỗi nước. Nhưng khi chúng tôi đánh giá người khác, các nước khác, những người dân nước khác, chúng tôi luôn luôn nhìn vào gương. Chúng tôi luôn thấy mình ở đó” - ông Putin nói tiếp.

Trực tiếp bình luận về lời nhận định của ông Biden, Tổng thống Nga nói: "Tôi chúc ông ấy khỏe mạnh. Tôi chỉ chúc ông ấy có sức khỏe tốt”.

Sự bình tĩnh này và cái tài của ông Putin thể hiện rõ qua việc mời ông Biden một cuộc đối thoại trực tiếp. Ông Putin đã đề nghị Tổng thống Biden tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp cởi mở vào "sau ngày cuối tuần" (tức thứ Hai) hoặc thậm chí vào thứ Sáu nếu ông Biden có thể đáp ứng nó ngay.

"Tôi không muốn trì hoãn nó quá nhiều. Vào cuối tuần, tôi muốn đến rừng taiga, nghỉ ngơi một chút và ngoài ra chúng ta có thể [có một cuộc gọi], ngày mai [vào thứ Sáu], hoặc nói chuyện vào thứ Hai” - nhà lãnh đạo Nga cho biết hôm thứ Năm, tức ngày 18/3.

"Xin vui lòng, chúng tôi sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào thuận tiện cho phía Mỹ. Tôi sẽ đưa ra một mệnh lệnh tương ứng với Bộ Ngoại giao ngay lập tức" - ông Putin chỉ rõ.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, cuộc tiếp xúc đó có thể diễn ra "nếu đó là một cuộc nói chuyện trực tiếp, trung thực, trực tiếp hiệu quả".

Tổng thống Nga đề nghị đối thoại với ông Biden vào thời gian thuận tiện với lịch nghỉ ngơi của mình. Trong ảnh: Ông Putin leo núi mừng sinh nhật lần 67 ở rừng taiga.

Có thể thấy rõ "cái tầm" của nhà lãnh đạo Nga khi nhận thấy điều mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra: Tổng thống Biden "yếu" về các cuộc luận chiến chính trị trực tuyến.

Chuyên gia khoa học chính trị nổi tiếng của Nga, ông Alexei Martynov cho rằng, giới chức Mỹ nhanh chóng từ chối "thử thách" của ông Putin là điều dễ hiểu.

Ông chỉ ra, Tổng thống Mỹ không mạnh về khoản diễn thuyết trước đám đông. Ông Biden đã nắm quyền được hai tháng, thế nhưng đến nay ông ta vẫn tránh những cuộc họp báo công khai và thực tế là không giao tiếp với các phóng viên.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu ông Biden chấp thuận lời đề nghị của ông Putin thì truyền thông quốc tế sẽ được phen cứng kiến màn thể hiện của thập kỷ, "khi toàn thế giới sẽ ngồi lặng chăm chú trước các màn hình thiết bị điện tử và TV. Khi đó, họ sẽ tự phân định được ai là 'thủ lĩnh thật sự của thế giới' chứ không cần đọc lời các chuyên gia, hay ý kiến riêng lẻ của một số chính trị gia Mỹ".

"Nếu Biden từ chối tham gia, ông ta sẽ bị gọi là 'kẻ yếu', không có khả năng nói chuyện với Tổng thống Nga. Nước Mỹ có thuật ngữ phổ biến như vậy" - ông Martynov nhận định.

Ông Martynov nhắc lại những vụ ông Biden nhầm lẫn, gọi Phó Tổng thống Kamala Harris là "Tổng thống đích thực", ông cũng không nhớ tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ông chủ Lầu Năm Góc đứng cách Tổng thống Mỹ vài bước chân.

Tổng thống Nga đã từng có thời gian tiếp xúc với ông Biden và có thể đã nắm rõ 'điểm yếu'

"Bản thân Biden bộc lộ thiếu sót đến mức đã vượt qua 'lằn ranh đỏ' nhất định. Một người ngoài 80 tuổi khó tránh gặp nhiều vấn đề về sức khỏe... Ông ấy chẳng nhớ nổi tên những đứa cháu của mình, chứ đừng nói đến chuyện nhớ họ tên các nhân viên Lầu Năm Góc" - chuyên gia Nga bình luận có phần châm biếm.

Ông Martynov còn cho rằng, sẽ có một kịch bản hay hơn ở nước Mỹ là vị Tổng thống của Đảng Dân chủ lựa chọn ra sẽ thay thế ông Biden trong tương lai gần, chính là người mà ông Biden đã "gọi nhầm" - Phó Tổng thống Kamala Harris.

"Lần 'nói nhịu' mới gần đây của Biden rằng Harris là 'Tổng thống Mỹ' chẳng phải ngẫu nhiên... Sau việc Biden bị gọi là 'kẻ yếu', không có khả năng nói chuyện với Putin. Tiếp sau Biden có thể bị cho là dần rời khỏi việc Tổng thống do tình trạng sức khỏe của bản thân. Bà Kamala Harris hoàn toàn có thể trở thành nữ Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" - chuyên gia Martynov nêu kịch bản.

Trước khi chuyên gia Nga nhắc đến từ "kẻ yếu" nếu ông Biden không chấp nhận lời đề nghị đối thoại của Tổng thống Nga thì danh từ này cũng được nhắc đến bởi con trai cả của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Donald Trump Jr. đã đề cập đến lời đề nghị của ông Putin với đương kim Tổng thống Mỹ là 'tranh luận trực tiếp mà không dùng văn bản chuẩn bị sẵn' - bắt đúng điểm yếu của ông Biden. Vị con trai của Cựu Tổng thống Mỹ cho rằng, giờ đây cả thế giới đã biết nước Mỹ có vị lãnh đạo như thế nào chỉ qua một hành động của Tổng thống Nga.

Theo ông, thực tế đúng như những gì trần trụi cho thế giới thấy: nước Mỹ không có ai lãnh đạo, chỉ có một người mặc đồ vest và máy chụp hình từ xa và máy nhắc chữ - ám chỉ ông Biden không tiếp xúc với báo giới và là một kẻ yếu đuối khi không dám lập tức nhận thử thách của Tổng thống Nga.

Sau tuyên bố của ông Biden và loạt trừng phạt mới nhằm vào Moscow, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã được mời về Moscow vào ngày 20/3 tham vấn để phân tích những việc cần làm và mối quan hệ với Mỹ.

"Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov sẽ bay đến Moscow để tham vấn vào ngày 20 tháng 3. Ông ấy sẽ tổ chức các cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Nga và các cơ quan chính phủ khác để thảo luận về cách khắc phục mối quan hệ Nga-Mỹ, hiện đang rơi vào khủng hoảng" - tài khoản Facebook của Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ,

Theo Đại sứ quán, cuộc khủng hoảng hiện nay trong quan hệ giữa Nga và Mỹ bắt nguồn từ chính sách của Washington và một số tuyên bố của các quan chức cấp cao ở Mỹ, gây ra nguy cơ sụp đổ quan hệ song phương.

Đông Phong