Đón tiếp phái đoàn nước ngoài - tín hiệu thay đổi chính sách biên giới của Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng tối 25/7. Ảnh: AFP

Ngày 26/7, Triều Tiên đã trải thảm đỏ đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga trong khuôn khổ chuyến thăm của phái đoàn từ Moskva và Bắc Kinh sang để dự các lễ kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng là những phái đoàn nước ngoài đầu tiên tới Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên mở lại biên giới sau đại dịch COVID-19.

Dự kiến ngày 27/7, Bình Nhưỡng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ký hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên 1953. Đây cũng được coi là Ngày Chiến thắng tại Triều Tiên.

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), tối 25/7, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng phái đoàn nước này đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, quốc ca Nga đã được bật vang, tạo nên không khí chào đón ấm cúng phái đoàn.

"Quốc kỳ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Liên bang Nga tung bay trên các cột cờ và đội danh dự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) xếp hàng tại đường băng trước khi máy bay hạ cánh", hãng KCNA cho biết.

Có mặt tại lễ tiếp đón, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam chào mừng người đồng cấp Nga Shoigu. Những bức ảnh do cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun đăng tải cho thấy hàng trăm binh sĩ KPA mặc đồng phục xếp hàng dọc sân bay giơ những tấm biển chào đón người Nga.

Theo bài viết đăng trên KCNA, Triều Tiên bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn" đối với quân đội và nhân dân Nga, “những người đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền cũng như sự phát triển và lợi ích của đất nước”. Nga là một trong số ít các quốc gia duy trì quan hệ hữu nghị với Triều Tiên.

Park Won-gon, Giáo sư Đại học Ewha ở Seoul, cho biết việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga bay tới Bình Nhưỡng trong khi đất nước đang xung đột với Ukraine là "rất quan trọng".

"Mặc dù hệ thống phòng dịch khẩn cấp vẫn được áp dụng, song nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảm thấy cần phải thể hiện điều gì đó với người dân nước mình tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng", Giáo sư Park trả lời hãng tin AFP.

Theo vị giáo sư này, đối với người Trung Quốc và người Nga, sự hiện diện của họ tại Bình Nhưỡng có thể gửi một thông điệp thống nhất mạnh mẽ tới Mỹ.

Thay đổi chính sách kiểm soát biên giới?

Việc Bình Nhưỡng mời các đoàn quan chức nước ngoài tham dự lễ kỷ niệm năm nay là tín hiệu cho thấy có sự linh hoạt đối với việc thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ cử một phái đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị Lý Hồng Trung dẫn đầu, dự kiến đến Bình Nhưỡng vào cuối ngày 26/7.

Triều Tiên đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kể từ đầu năm 2020 để tự bảo vệ trước khỏi đại dịch COVID-19. Mới năm ngoái, nước này chỉ nối lại một số hoạt động thương mại với Trung Quốc và cho phép đặc phái viên mới của Bắc Kinh Wang Yajun tới nhận nhiệm vụ trong năm nay. Quan chức này là nhà ngoại giao đầu tiên đến Triều Tiên kể từ khi quốc gia Đông Á đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020.

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, Alexander Matsegora, cũng đã ở lại thủ đô của Triều Tiên trong suốt đại dịch, ngay cả khi số lượng nhân viên tại Đại sứ quán Nga giảm dần và các cơ quan đại diện nước ngoài khác đóng cửa.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)