Đóng góp hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ (ảnh).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Để Luật BVMT được thực thi vào đầu năm 2022, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT cũng có nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Những ý kiến đóng góp của các địa phương góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi. Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ lắng nghe, cầu thị để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của địa phương trong quá trình hoàn thiện, trình ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020…

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 gồm 13 chương, 197 điều. Dự thảo Nghị định cũng làm rõ các nội dung quản lý, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương. Các địa phương cơ bản đều thống nhất với bố cục dự thảo Nghị định, các quan điểm chính của dự thảo. Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp những vấn đề chung có tính bao quát, những vấn đề cụ thể được quy định trong từng điều, từng khoản của dự thảo Nghị định. Trọng tâm là những vấn đề có tính thống nhất, khả thi của các quy định dự thảo nghị định đối với quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản liên quan. Làm rõ các căn cứ pháp lý, các nội dung quy định mới có tính thực tiễn, đột phá của Luật BVMT đã định hình trong dự thảo nghị định. Tại hội nghị, các địa phương tập trung làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương như: quy định về thủ tục hành chính, phân loại dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, xử lý chất thải, quan trắc môi trường, xử lý ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, quy định về khoảng cách an toàn môi trường, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường…

LẠC MẪN