Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động

Công ty TNHH JNTC Vina (Khu Công nghiệp Thụy Vân) tạo việc làm cho gần 2.500 CNLĐ với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ thị trường, chế tạo cơ khí... gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, sản lượng tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho lớn. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt và linh hoạt của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động của các KCN, CCN tiếp tục từng bước ổn định.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các KCN chia sẻ: “Các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc thực hiện chính sách pháp luật lao động. Theo đó, có trên 90% lao động đã giao kết hợp đồng lao động, 85% lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tất cả doanh nghiệp đều thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng so với quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm một số khoản phụ cấp, hỗ trợ như: Tiền chuyên cần, xăng xe, nhà ở, con nhỏ, ăn ca...”. Trong năm, tỉnh đã cấp mới bảy dự án, trong đó có năm dự án đầu tư trong nước, với số vốn 558,4 tỷ đồng; hai dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 23,9 triệu USD; điều chỉnh 64 dự án, trong đó 23 dự án DDI và 43 dự án FDI, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Đồng thời, tỉnh cũng đã phê duyệt Đồ án/điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với 16 dự án; cho ý kiến quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 15 dự án. Tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương và giao cho UBND huyện Cẩm Khê nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia khu công nghiệp Cẩm Khê; cấp 38 Giấy phép và điều chỉnh sáu Giấy phép xây dựng; nghiệm thu hoàn thành đưa 14 công trình vào sử dụng... Các doanh nghiệp đã thực hiện đúng thủ tục về quy hoạch xây dựng, thỏa thuận, đấu nối kết cấu hạ tầng; thẩm định quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công; thi công xây dựng đúng theo giấy phép xây dựng, chất lượng công trình đảm bảo, tiến độ xây dựng cơ bản đáp ứng theo tiến độ đăng ký đầu tư; thực hiện đúng các thủ tục về nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

“Bữa cơm công đoàn” tại Công ty TNHH Seshin Việt Nam (Khu Công nghiệp Thụy Vân).

Công tác bảo vệ môi trường trong KCN đã có nhiều chuyển biến tích cực, các dự án đều đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường trước khi xây dựng dự án. Đến nay đã có 200 dự án được cấp giấy phép môi trường thành phần trong quá trình hoạt động; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các công trình xử lý chất thải, thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải theo quy định. Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Thụy Vân (thành phố Việt Trì) và KCN Phú Hà (thị xã Phú Thọ) vận hành ổn định, xử lý nước đạt tiêu chuẩn (cột A) trước khi thải ra môi trường, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên môi trường. Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Cẩm Khê đang nghiệm thu, dự kiến đầu năm 2024 sẽ chính thức vận hành.

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt và linh hoạt của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2022, đạt 108% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước đạt 1.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 10.000 triệu USD; thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng.

Dự báo, trong năm 2024, tình hình an ninh chính trị, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng phục hồi chậm, do đó, ảnh hưởng rất lớn tới tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Phát huy những thành tích đã đạt được, tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Ban Quản lý các KCN đã xây dựng kế hoạch, chủ động chia sẻ, đồng hàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thành công tại các KCN, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.800 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 15.000 triệu USD.

Thúy Hằng