Du lịch Việt: Đa dạng hóa để không lệ thuộc vào một vài thị trường

Trước dịch Covid- 19, nhiều bãi biển ở miền Trung chật kín du khách Trung Quốc, Hàn Quốc với nhóm tour lên tới 4-5 chục người, Sản phẩm du lịch vì thế cũng hướng nhiều đến nguồn khách này… Thống kê cho thấy: 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam là từ khu vực Đông bắc Á, trong đó 32% là khách từ Trung Quốc. Nha Trang, Vũng Tàu trước đó cũng là điểm đến yêu thích của du khách Nga. Lượng khách đông đảo này từng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các tỉnh, thành phố.

Thế nhưng, khi Covid-19 xuất hiện, Trung Quốc thực hiện “zero covid”, người Nga hạn chế đi du lịch,... thì nguồn thu của những doanh nghiệp lữ hành tại đây cũng giảm đi trông thấy. Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, do ảnh hưởng của đại dịch, hàng ngàn nhân lực trong ngành mất việc làm, tới giờ vẫn chưa thể phục hồi.

Ảnh: Internet

Bởi vậy mà ở góc độ nào đó, Covid-19 là cơ hội để ngành du lịch nhiều nước trong đó có Việt Nam “bừng tỉnh” trước bài học quá lệ thuộc vào một vài thị trường có số lượng lớn mà chưa mấy tập trung cho những thị trường có mức chi trả cao.

Michelle Dupont, một du khách Pháp bày tỏ sự ngạc nhiên khi Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon mà trước khi sang đây cô không có nhiều thông tin: "Sang đây tôi mới biết Việt Nam thực sự mở cửa du lịch sau dịch, không còn những điều kiện bắt buộc về y tế, không hề phải test covid, trong khi đó một số thị trường châu Á vẫn yêu cầu phải test. Điều này lẽ ra phải được nhấn mạnh hơn cho du khách quốc tế. Đặc biệt, ở Pháp, chúng tôi không thấy những poster giới thiệu du lịch Việt đẹp và hấp dẫn đến mức thôi thúc du khách phải tới Việt Nam để khám phá ngay".

Chưa đa dạng hóa thị trường từ lâu đã là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Ông Phạm Hà, Chủ tịch hãng lữ hành Lux Group cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến các thị trường mới cao cấp như Australia, New Zealand, Tây Âu và Đông Âu, các địa phương và doanh nghiệp cần phân tích thị trường và thị hiếu du khách từng khu vực để đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn, đặc biệt cần quản lý tình trạng quá tải, xô bồ với các điểm du lịch nổi tiếng để giữ chân du khách.

"Du lịch Việt Nam cần được định vị lại xem nên đặt ưu tiên cho phân khúc nào: tầm trung, đại trà hay cao cấp. Ngoài ra phải quản lý các điểm đến đông du khách như Đà Lạt, Phú Quốc… chẳng hạn điểm đến chỉ phục vụ tốt cho khoảng 100.000 du khách thì không nên đón với khối lượng gấp 3, 4 lần, dễ dẫn đến quá tải, du khách sợ không đến nữa" - Ông Phạm Hà bày tỏ.

Sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều hãng hàng không và lữ hành đã chủ động tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, Malaixia bằng việc tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa 2 nước. Những nỗ lực đó bước đầu có kết quả khi trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm mới, nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh đã đón một lượng khách lớn từ các thị trường này.

Ather Paswan , một du khách Ấn Độ bày tỏ: "Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp, dù lần đầu tiên tới đây nhưng tôi đã được tới thăm những thắng cảnh đẹp của Hà Nội, Hội An và sắp tới là thành phố Hồ chí Minh. Giữa Án độ và VN có sự gần gũi nhất định và chúng tôi đã dược nghe nhiều điều tốt đẹp về đất nước các bạn".

Tuy nhiên, để thu hút những thị trường cao cấp, ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, tăng thời gian lưu trú trung bình, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sáng tạo trong sản phẩm trải nghiệm để từ đó tăng sức chi tiêu của khách. Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng: Việt Nam đang “bỏ ngỏ” một phân khúc thị trường bậc cao, tức là những du khách lớn tuổi, có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, có khả năng chi trả cao. Để thu hút được phân khúc này, ngoài việc kéo dài thời hạn miễn visa, cần tính toán bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng như chăm sóc sức khỏe, mua sắm, ẩm thực… trong cùng một khu nghỉ dưỡng để du khách trải nghiệm, đồng thời tăng kết nối giữa các điểm đến.

"Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên phải nghĩ đến hiệu quả kinh tế, thu nhập cao từ khách. Nên khuyến khích những thị trường có khả năng đi du lịch dài ngày, khách có khả năng chi trả cao…" - ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.

Tựu trung lại, du lịch với đặc thù là ngành “xuất khẩu tại chỗ”, cần phải dược xem là một ngành kinh tế thực thụ để từ đó có kế hoạch tổng thể liên ngành, liên vùng. Kế hoạch ấy phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đa dạng hóa thị trường, phát huy thế mạnh của từng địa phương thành sức cạnh tranh quốc gia và không thể phụ thuộc vào nỗ lực của một ngành hay từng địa phương riêng lẻ./.

Mỹ Hà/VOV1