Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Huy động nguồn lực xã hội từ phương thức nhượng quyền kinh doanh

Đây là biện pháp phù hợp, giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao; giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa có nhiều loại hình công trình nên để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa không được nhượng quyền kinh doanh.

Hợp đồng nhượng quyền kinh doanh, quản lý là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định. Thành phố à Nội được sử dụng tài sản công để nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ.

Tài sản công được nhượng quyền kinh doanh, quản lý bao gồm: Công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô trừ bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa; công trình, hạ tầng thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định: Danh mục công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao được nhượng quyền kinh doanh, quản lý; Nguyên tắc, điều kiện, hình thức, nội dung, thời hạn, phương án tài chính và trình tự, thủ tục nhượng quyền kinh doanh, quản lý và liên kết; Biện pháp bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao và tài sản công trong việc liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ.

Tài sản công được nhượng quyền kinh doanh, quản lý bao gồm: Công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô trừ bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa; công trình, hạ tầng thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Góp ý về nội dung này, ông Phạm Văn Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng không nên dùng hợp đồng nhượng quyền kinh doanh mà nên chuyển thành hợp tác công - tư trong quản lý và khai thác tài sản công sẽ bảo đảm bảo tính bao trùm. Đại biểu nêu rõ, nếu quy định là hợp tác công - tư sẽ mở rộng được ra các lĩnh vực khác.

Đại biểu dẫn chứng thực tế các sân vận động từ cấp huyện, cấp xã đến cấp tỉnh gần như chất lượng xuống cấp, có khi bị bỏ hoang hóa, song hằng năm đều mất ngân sách, trong khi lại thiếu các khu vui chơi cho trẻ em. Nếu như kết hợp công tư, tức là cho tư nhân đứng ra quản lý vận hành thì các sân bóng đều rất đẹp.

Tại Bắc Giang, sau khi mời gọi các doanh nghiệp lớn, các câu lạc bộ lớn về thì sân vận động tỉnh được duy trì, quản lý sân rất đẹp và người dân không gian để vui chơi, hoạt động thể thao. Ngoài ra, tại Bắc Giang trong quá trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, có những diện tích thừa, thừa cơ sở vật chất. Tỉnh đã hợp tác với các trường nghề, trong đó có trường nghề FPT để tận dụng và đưa vào sử dụng.

Nêu rõ các dạng hợp tác công - tư trong quản lý, khai thác tài sản công trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng không nên dùng từ "nhượng quyền kinh doanh", bởi cũng có những trường hợp không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng. Không nên chỉ dừng ở công trình văn hóa, thể thao mà nên mở rộng thêm về y tế, giáo dục và các lĩnh vực sự nghiệp khác. Đại biểu nhấn mạnh hợp tác công tư sẽ giúp khắc phục được những bất cập của cơ chế quản lý bao cấp, quan liêu của nhà nước và khai thác, quản trị hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên và cung cấp dịch vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo thạc sĩ Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, để phù hợp với nội dung thì tên của điều luật cần được thay đổi thành “quản lý, sử dụng các công trình thể thao, văn hóa của Thủ đô Hà Nội”.

Mặc dù đây là lĩnh vực chưa được quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, tuy nhiên bà Phạm Thúy Chinh đồng tình với quy định này và nếu thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế này sẽ nâng cao hiệu quả, phát huy được các giá trị của các công trình văn hóa, thể thao nhất là các công trình có quy mô lớn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Đây cũng là điểm dẫn đến việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật về tài sản công cũng như sẽ thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân vào vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ, chấm dứt tình trạng lãng phí và phát huy hiệu quả các công trình này.

Từ lãng phí của sân vận động quốc gia Mỹ Đình và hàng loạt công trình, thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy những bất cập trong phương thức quản lý, vận hành, khai thác, chưa cung cấp được dịch vụ tốt cho người dân Thủ đô và nhân dân cả nước, đặc biệt là không gắn được với việc bảo trì, duy trì tuổi thọ của công trình.

Qua giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tháng cho thấy, thành phố Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Cung thiếu nhi của Thành phố và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là một công trình hết sức hiện đại với nhiều dịch vụ dành cho trẻ em, tuy nhiên nếu không điều chỉnh cách thức quản trị và có sự tham gia của tư nhân trong khâu vận hành, khai thác, bảo trì và cung cấp dịch vụ thì e rằng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn và có thễ dẫn đến lãng phí thêm một tài sản công.

Bảo Thoa