Giá dầu tăng không ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế toàn cầu

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ giúp thế giới hạn chế tác động từ cú sốc giá dầu tăng cao.

Nhu cầu năng lượng toàn cầu gia tăng và tranh cãi về sản lượng giữa các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã khiến giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ tăng trên 75 USD/thùng vào đầu tháng Bảy, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Mặc dù đà tăng đã dịu lại, song giá dầu thô tại Mỹ ngày 8/7 vẫn duy trì trên 70 USD/thùng.

Các nhà kinh tế cho rằng cần theo dõi áp lực từ dầu mỏ hoặc chi phí của dầu mỏ tính theo tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội, vốn được coi là yếu tố quyết định tác động của dầu mỏ đối với tăng trưởng kinh tế. Theo Morgan Stanley, chỉ số này dự kiến sẽ tăng lên 2,8% GDP toàn cầu vào năm 2021, với giả định giá dầu trung bình dự kiến là 75 USD/thùng trong năm nay. Tuy nhiên, con số này vẫn dưới mức trung bình dài hạn là 3,2% GDP.

Morgan Stanley ước tính nếu giá dầu ở mức trung bình 85 USD/thùng, thì mức giá dầu này có thể tạo ra những tác động về lâu dài. Chỉ số phản ánh ảnh hưởng của giá dầu toàn cầu đã vượt mức trung bình dài hạn vào năm 2005, nhưng tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ đã cho phép các nền kinh tế bù đắp những tác động tiêu cực khi giá dầu cao hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất trong ít nhất bốn thập kỷ qua. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, giá dầu tăng gần đây chủ yếu là do nhu cầu tăng, chứ không phải vấn đề nguồn cung. Theo các nhà kinh tế, đây là chỉ dấu cho thấy sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.

Hơn nữa, các nền kinh tế tiên tiến ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng so với các thập kỷ trước vì ngành dịch vụ, vốn tiêu thụ ít dầu hơn ngành công nghiệp nặng, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản lượng nền kinh tế. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, hiện nay nước này chỉ cần khoảng một nửa lượng dầu để tạo ra 1 USD trong GDP so với cách đây 35 năm.

Các hộ gia đình ở Mỹ và các quốc gia giàu có khác cũng đã tích lũy được một khoản tiết kiệm lớn chưa từng có trong thời kỳ đại dịch, có thể giúp họ đối phó với tình trạng giá xăng dầu cao hơn. Ngoài ra, sự gia tăng khai thác dầu đá phiến trong hai thập kỷ qua đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ, những người chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, hiện đang được hưởng lợi.

Nền kinh tế châu Âu với động lực chủ yếu là ngành dịch vụ cũng bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như nguồn cung năng lượng chính trong những thập kỷ gần đây. Khoảng gần 20% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Âu đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời vào năm 2019, tăng so với mức 9,6% trong năm 2004.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu không coi giá dầu tăng là mối đe dọa đối với sự phục hồi của châu lục này, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) hôm 7/7 đã nâng dự báo tăng trưởng của khối trong năm 2021 từ mức 4,2% lên 4,8%. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế châu Âu sẽ trở lại mức sản lượng như trước khi đại dịch diễn ra vào cuối năm nay, sớm hơn 3 tháng so với các dự báo trước đó. EU cho rằng giá dầu và các mặt hàng khác cao hơn sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn một chút so với dự đoán trước đây.

Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh chóng trong năm nay, đạt tốc độ khoảng 8%. Ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, giá dầu cùng với giá nhiều mặt hàng khác cao hơn đã ảnh hưởng đến một số mặt hàng nhập khẩu, nhưng các chỉ số sản xuất của Trung Quốc cho thấy nhu cầu nội địa ở nước này vẫn rất mạnh. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang chuyển sang sử dụng lượng dầu tồn kho trong nước và tăng sản lượng để giảm bớt áp lực từ giá dầu cao hơn trên toàn cầu.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi khác có thể bị tác động nhiều hơn. Người tiêu dùng ở những thị trường mới nổi thường nhạy cảm hơn với giá cả tăng cao vì thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn hơn. Một số ngân hàng trung ương, bao gồm Brazil và Nga, đã buộc phải tăng lãi suất trong những tuần gần đây để chống lại tình trạng lạm phát gia tăng.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD thì thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này lại tăng thêm hơn 4 tỷ USD và khiến Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào các quỹ nước ngoài để bù đắp thâm hụt và trả nợ nước ngoài. Ngoài ra, lạm phát cũng tăng thêm khoảng 0,5%. Ở Nam Phi và Ấn Độ, giá dầu tăng 10 USD cũng khiến tài khoản vãng lai của những nước này thâm hụt thêm 0,5%. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cũng góp phần gây ra tình trạng bất ổn xã hội ở những quốc gia như Brazil và Pakistan, nơi chính phủ đã phải ứng phó bằng cách tăng lương cho nhân viên nhà nước vào đầu năm nay.

Tuy vậy, đối với các nước xuất khẩu dầu như Nga và Saudi Arabia, việc giá dầu tăng lên sẽ giúp các nước này có thêm nguồn thu, cải thiện cán cân tài khoản vãng lai và tạo điều kiện để tăng chi tiêu nhằm kích thích kinh tế phục hồi./.

Khắc Hiếu (TTXVN tại New York)