Gia Lai quảng bá, xúc tiến đầu tư và thương mại tại tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc

Đoàn công tác tỉnh Gia Lai thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Trương Công Hoài

Tham gia đoàn công tác có đồng chí: Dương Mah Tiệp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng đoàn; Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động-Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Ngoại vụ; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; UBND thành phố Pleiku và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Đi cùng đoàn có Giáo sư Oh Sang Sik-Chủ tịch Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, trong 2 ngày (12 và 13-9), đoàn đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Trường Đại học Jeonju Kijeon. Tại đây, lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng quan tâm, hỗ trợ Gia Lai mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội cấp địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển du lịch, xuất khẩu lao động.

Đến làm việc tại Trường Đại học Jeonju Kijeon, tỉnh Gia Lai mong muốn tăng cường hoạt động giao lưu học sinh, sinh viên nghiên cứu học thuật giữa các cơ sở giáo dục tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Jeonju Kijeon; đồng thời, nghiên cứu thành lập trung tâm dạy tiếng Hàn tại tỉnh Gia Lai.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn tặng biểu trưng Gia Lai cho bà Han Dong-Yeon-Phó chủ tịch Hội đồng TP. Iksa. Ảnh:Trương Công Hoài

Tiếp theo trong chuyến công tác, ngày 14-9, đoàn đã đến tham quan Trang trại Thông minh Innovalley (thành phố Kimje); thăm và làm việc với chính quyền thành phố Iksan để thảo luận về hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao; thăm Cụm Công nghiệp thực phẩm Iksan và tham dự lễ hội Iksan Seodong.

Tại đây, đoàn công tác của tỉnh đã trao đổi về các nội dung hợp tác, đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Gia Lai như cà phê, điều, tiêu, sầu riêng, mật ong, nấm… Đồng thời, kết nối và mời các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Gia Lai và Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu tại Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại của Hàn Quốc phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm. Hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ trong nông nghiệp theo hình thức hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Sáng 16-9, đoàn cũng đến thăm và làm việc với Hợp tác xã Nhân Sâm Jeollabuk-do nhằm tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật trồng nhân sâm. Đồng thời, đề xuất Hợp tác xã nghiên cứu thêm việc hợp tác với đơn vị tỉnh Gia Lai về công nghệ trồng sâm, chế biến kết hợp các sản phẩm Gia Lai với sâm của hợp tác xã; cử chuyên gia đến giúp người dân nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm trồng sâm góp phần giải quyết nhu cầu lao động trong ngành trồng sâm, mang lại lợi ích cho người dân của tỉnh Gia Lai và tỉnh Jeollabuk. Chiều cùng ngày, đoàn đến tham dự buổi biểu diễn của đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai tại Lễ hội Âm thanh Thế giới Jeonju 2023.

Đặc biệt, trong ngày 15-9, đoàn đã đến chào xã giao chính quyền tỉnh Jeollabuk. Sau đó, 2 tỉnh cùng Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai”. Đây là nội dung quan trọng nhất trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc nhằm quảng bá, xúc tiến đầu tư và thương mại. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Gia Lai; khẳng định những cam kết, sự đồng hành của tỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động đầu tư vào tỉnh; đồng thời lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp cũng như phản hồi, cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư về các vấn đề liên quan.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng được xem đoạn phim giới thiệu, quảng bá “Gia Lai-Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”; nghe lãnh đạo của tỉnh Gia Lai giới thiệu và trao đổi các nội dung quan trọng về: “Quy trình đầu tư và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai”; “Thành phố Pleiku-Điểm đến du lịch xanh”; “Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc và tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp Hàn Quốc trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và du lịch”. Đặc biệt là tọa đàm về cơ hội đầu tư với chủ đề: “Tiềm năng, cơ chế chính sách, các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư vào tỉnh Gia Lai”.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Nhân sâm Jeollabuk-do ký bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trương Công Hoài

Tại hội thảo “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai tại Hàn Quốc” có 4 bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan của tỉnh Gia Lai với các doanh nghiệp của Hàn Quốc được ký kết, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Hwang Mi Ro Corporation hợp tác về khảo sát, nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm; Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty LCM Energy Solution Inc hợp tác khảo sát, nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp sản xuất; Sở Khoa học và Công nghệ và Hợp tác xã Nhân sâm Jeollabuk-do hợp tác nghiên cứu nâng cao chất lượng sâm Gia Lai và Hàn Quốc; Sở Ngoại vụ và Đại diện lãnh đạo Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc ký kết bản ghi nhớ về phối hợp triển khai các hoạt động kết nối, phát triển quan hệ hợp tác giữa địa phương Hàn Quốc với tỉnh Gia Lai.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Hợp tác xã Nhân Sâm Jeollabuk-do. Ảnh: Trương Công Hoài

Có thể nói chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã kết thúc tốt đẹp. Thông qua các hoạt động, tỉnh đã giới thiệu đến các địa phương của Hàn Quốc biết đến Gia Lai với những cảnh quan xinh đẹp, với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, với "đôi mắt" Pleiku Biển Hồ đầy; với những con người hiền lành và mến khách và những nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng độc đáo. Đồng thời, gợi mở cho địa phương, doanh nghiệp hai bên nhiều cơ hội hợp tác phát triển đôi bên cùng có lợi trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch, góp phần phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

TRƯƠNG CÔNG HOÀI