Giảm nghèo bền vững là mục tiêu hàng đầu của xứ Thanh

Nhờ đó, các gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống và tạo ra các cơ hội để phát triển. Người dân nghèo đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ vốn kinh doanh, đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em, đặc biệt là giải quyết vấn đề về nhà ở.

Giảm nghèo là một trong những mục tiêu hàng đầu của Thanh Hóa

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng khó khăn. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm, năm 2023 ước còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,65%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch (giảm bình quân 1,5%/năm).

Để rút ra bài học, thực hiện có hiệu quả, sáng 10/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện CT giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao 945 tỷ 033 triệu đồng; còn lại 695 tỷ 506 triệu đồng (thực hiện năm 2024 và 2025) chưa được giao.

Hàng nghìn hộ dân ở miền núi vẫn trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét

Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là 685 tỷ 135 triệu đồng. Dự kiến năm 2024 và 2025 được Trung ương phân bổ 1.302 tỷ 361 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thực hiện CT giảm nghèo bền vững, đồng thời nhấn mạnh: Giảm nghèo là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị

Thanh Hóa được phân bổ nguồn vốn lớn nên sức ép, công việc nhiều. Thứ trưởng Thanh đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện CT tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình, nhất là những nội dung có tính chất hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình. Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện CT giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, người nghèo theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Cần tạo điều kiện để người nghèo có sinh kế bền vững, ổn định

Cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương vào cuộc khơi dậy văn hóa vươn lên, khát vọng sáng tạo trong xã hội; người dân có tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên “thoát nghèo”, xây dựng cuộc sống “ấm no, hạnh phúc”.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, điều đó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đều xác định phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu cao quý và thiêng liêng nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Thanh Hóa trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) của tỉnh giảm còn 4,99%; ước đến hết năm 2023, giảm còn 3,49%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra...

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành chức năng, UBND các địa phương quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án thuộc CT. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện nội dung các hoạt động và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện.

Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các CT các cấp; tăng cường quản lý, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Phát huy vai trò của cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu có hiệu quảm tránh lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng. Phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể.

Với tinh thần “Giảm nghèo trong thời gian tới bằng trí tuệ, trách nhiệm và cả trái tim”, Bí thư tỉnh Thanh Hóa tin tưởng với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công CT giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thanh Phương