Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Đổi mới tuyên truyền tảo hôn ở Bắc Kạn

Các em học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được trao quà sau khi kết thúc phần thi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ chủ chốt trong ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Bắc Kạn đã đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung lẫn hình thức. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số về hôn nhân. Trong đó, vai trò “chủ lực” là các hoạt động của cả Ban Dân tộc, Sở Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ.

Ngoài ra, nhiều ban, ngành, đoàn thể khác cùng đồng loạt vào cuộc. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh xây dựng các tin, bài, chuyên mục tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các nội dung liên quan đến hôn nhân và gia đình đến đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tăng cường tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức các lớp tập huấn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, kỹ năng giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Trong khi đó, ngành Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai chính sách hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số các nội dung liên quan đến hôn nhân, gia đình…

Để nâng cao hiệu quả, công tác tuyên truyền được tập trung vào đội ngũ cán bộ thôn, bản; người có uy tín trong cộng đồng; phụ nữ và các em học sinh độ tuổi dưới 18... Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các chuỗi truyền thông tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Các chương trình truyền thông tại trường học được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, kết hợp với các cuộc thi tìm hiểu kiến thức với tiêu chí: Đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Điển hình trong đó là hội thi tìm hiểu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tổ chức tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ngân Sơn. Hội thi được tổ chức gồm 2 phần: Thi tiểu phẩm và thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ở phần thi đầu tiên, các đội thi đến từ các khối lớp đã thể hiện sinh động, phong phú, phản ánh được tình trạng và những hệ lụy, tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua tiểu phẩm “Bắt vợ”, tiểu phẩm “Lỗi lầm của người mẹ” và tiểu phẩm “Bạo lực gia đình”.

Theo ông Bế Ngọc Thuấn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, để giảm thiểu tình trạng này, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, đưa mục tiêu, nhiệm vụ về hôn nhân và gia đình, về phòng, chống tảo hôn vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của chính quyền và các đoàn thể tại địa phương. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025...

Phương Nguyên