Giáo dục và 'Chân – Thiện – Mỹ'

Ấy vậy mà tại một ngôi trường được coi là cái nôi sản sinh ra những con người duy mỹ với triết lý theo đuổi cái đẹp – trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, người đứng đầu là vị hiệu trưởng - nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu dường như lại vì mải mê đi tìm một điều gì đó khác, mà không biết do vô tình hay hữu ý đã đánh đổi phần nào cả 3 giá trị cao đẹp này.

Quên mất cái “Chân”?

“Chân” hiểu một cách đơn giản nhất là chân thành, chân thật. Một vị hiệu trưởng với đầy đủ học hàm (PGS), học vị (TS) như ông Sửu liệu có thể đãng trí tới mức “quên mất” mình đã dạy bao nhiêu tiết học, rồi vô tư đút túi số tiền dạy vượt định mức lên tới … 108 tiết? Chưa hết, trong thời gian bị tố cáo về việc khai gian dối lý lịch đảng viên, bằng một cách nào đó ông Sửu đã mượn được hồ sơ của chính mình từng nộp tại Văn Phòng Đảng Ủy và giấu nhẹm trong 3 năm trời. Rồi còn việc cố tình cấp bằng cho sinh viên thiếu điểm để lấp liếm đi sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý hồ sơ, phải chăng cái “Chân” duy nhất mà ông Sửu có chỉ được dùng theo đúng nghĩa đen của nó?

Gạt đi cái Thiện?

“Thiện” chính là đạo đức, lương tâm. Sẽ là không đúng đắn nếu nói vị hiệu trưởng này không còn chữ “Thiện” bởi nó mang một phạm trù rất rộng, và người viết tin rằng chẳng có ai trên đời này có thể đánh mất toàn bộ sự thiện lương của mình. Tuy nhiên sau khi tiếp cận và trao đổi với một vài cán bộ của trường, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của ông Sửu đã được đặt ở đâu và thể hiện như thế nào thì tôi không dám lạm bàn…

Thầy Chu Anh Phương là thầy giáo có thâm niên 28 năm giảng dạy tại trường. Sau một thời gian công tác tại vị trí Trưởng Khoa Sư phạm Mỹ thuật và đạt nhiều thành tích tốt mà không có bất kì vi phạm nào, thầy Phương “được” lãnh đạo nhà trường điều chuyển xuống vị trí Phó Khoa, thế chỗ thầy là một phó hiệu trưởng phụ trách hành chính. Trao đổi với PV, thầy Phương bức xúc: “Khoa sau đại học theo quy định phải là tiến sĩ hoặc giảng viên chính mới được giảng dạy. Nhưng nhà trường vẫn xếp những người không đủ điều kiện như vậy tham gia giảng dạy tại khoa sau đại học. Từ trước đến nay ở môi trường này chưa bao giờ có nhiều chuyện mà khiến giảng viên và sinh viên bức xúc đến như thời điểm hiện tại. Đối với công tác quy hoạch cán bộ nhà trường có rất nhiều điểm bất cập, cụ thể là trường hợp của tôi. Trước đây trong phiếu tín nhiệm thì ở cơ sở tôi đạt 100 % phiếu tín nhiệm nhưng lên đến cấp trên thì lại không đạt. Hoặc lần gần đây nhất là năm 2020 thì nhà trường lại bỏ qua bước ở cơ sở. Quy hoạch cán bộ cũng thế, theo quy định sẽ là quy sang ngang hoặc lên nhưng riêng đối với trường hợp của tôi thì lại là quy hoạch xuống”.

Một cán bộ khác của VMT chia sẻ: "Chị N.T.T.M, cán bộ quản lý viện đã về hưu từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa xong hồ sơ để chuyển Đảng và vẫn đang sinh hoạt đảng tại chi bộ viện mỹ thuật. Từ 2015, Viện tự đề ra một hình thức điểm danh không theo một cái quy định nào cả dẫn đến là một số cán bộ ở trong viện dù điều kiện kinh tế và sức khỏe rất là khó khăn nhưng vẫn bị đẩy vào tình trạng là bắt buộc phải nghỉ việc. Có những giảng viên có học hàm học vị đúng chuyên ngành lại không được xếp vào giảng dạy.

Bỏ luôn cái Mỹ?

Khi nói về chữ Mỹ của ông Sửu, người viết đã cân nhắc rất nhiều bởi ông đường đường là lãnh đạo của trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam – được coi là một “thành trì” bảo vệ và sản sinh ra cái đẹp. Thế nhưng vì một lý do đặc biệt nào đó, bức phù điêu và cũng là bài thi tốt nghiệp của một học viên cao học lại được nhà trường trưng bày ngay trước lối vào to nhất của trường. Rất khó bàn về tính thẩm mỹ của một tác phẩm bởi lẽ quan niệm của mỗi người về cái đẹp là khác nhau, báo PLVN chỉ xin được trích dẫn lời của họa sĩ Lê Thiết Cương khi đánh giá về tác phẩm của học viên này: “Bức phù điêu chỉ đáng là bài tập, ký họa, hoặc ghi chép, chưa thể gọi là tác phẩm hoàn chỉnh, chưa có bất cứ sự sáng tạo nào, không hề có yếu tố nào hấp dẫn về mặt thị giác”. Và thật ra cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nhân vật chính của bức phù điêu ấy không giống hiệu trưởng trường MTVN – nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu như tạc.

Vẫn là rút kinh nghiệm…

Sau một loạt sai phạm nghiêm trọng của ông Sửu mà bài viết này còn chưa đề cập hết, Bộ VHTT&DL đã ra quyết định kỷ luật ở mức độ khiển trách đối với ông Lê Văn Sửu và yêu cầu ông nghiêm túc … rút kinh nghiệm. Mặt khác, vị hiệu trưởng vẫn sẽ hiên ngang tại vị và tiếp tục lãnh đạo ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất của đất nước với triết lý và cách làm giáo dục của riêng ông.

Quyết định về việc kỷ luật ông Lê Văn Sửu - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Mức kỉ luật đối với ông Sửu có thỏa đáng và đủ sức răn đe hay không, câu trả lời sẽ thuộc về các cấp quản lý và chính bản thân ông Sửu cũng như đội ngũ những người làm giáo dục..