'Giữ lửa' cho nghề làm hương đen gia truyền của làng Chóa

Người dân se hương. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Nằm bên dòng sông Cầu, làng Chóa nay được đổi tên là thôn Lạc Trung thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh ắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm hương đen. Tuy nhiên, người dân vẫn gọi ngôi làng nghề hàng trăm tuổi này với cái tên thân thương - làng Chóa.

Hương Đen làng Chóa là sản phẩm gia truyền đã trải qua hơn 100 năm, những nén hương được làm thủ công bằng những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên không có hóa chất độc hại cho sức khỏe con người.

Quá trình làm hương đen

Nghề làm hương ở đây không biết có từ bao giờ chỉ biết rằng lớn lên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đảm nhận được một số khâu trong quá trình sản xuất hương.

Khâu nhồi bột cần người có sức khỏe để bột được đều, dẻo; chẻ nan, vót tăm cần đến người già tỷ mỉ, cẩn thận vót từng que tăm sao cho thật tròn và mịn; se hương chủ yếu là trẻ em.

Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Ngay từ đầu năm, người dân Chóa đã đi khắp vùng núi phía Bắc để đặt mua nứa, than hoa, nhựa trám.

Khâu chuẩn bị nguyên liệu mất nửa năm nhưng để làm thành sản phẩm và tiêu thụ chỉ trong 2 tháng. Cứ bước vào cuối tháng 9 Âm lịch là làng Chóa người người làm hương, nhà nhà làm hương.

Khâu trộn nguyên liệu quyết định phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng này. Công thức pha trộn do bí quyết của từng nhà, sao cho thành phẩm không quá già, không quá non. Pha chuẩn nến hương sẽ có độ dẻo, thơm và có màu đen bóng.

Hỗn hợp bao gồm nhựa trám được đun sôi ở nhiệt độ cao sẽ được trộn với than hoa nghiền nhỏ, và một lượng trầm hương cực ít để không gây mùi nồng. Sau đó sẽ dùng tay đảo cho hỗn hợp này thật nhuyễn rồi đem vào giã cho cho chúng có độ lên kết và dẻo như bánh giầy.

Hỗn hợp khi tạo thành sẽ dẻo, những người thợ thủ công sẽ dùng hỗn hợp này để se vào một que tre được vót tròn đều có chiều dài từ 50cm đến 1m. Se càng lèn tay thì cây hương càng chặt và đẹp.

Công đoạn se hương. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Se hương là công đoạn thú vị và trở thành đặc trưng cách làm của hương làng Chóa. Không dùng bất kỳ loại máy móc nào, hương làng Chóa được se bằng tay. Để đảm bảo độ dẻo nguyên liệu, nến hương được hấp nóng cho dẻo ra, vừa đủ bám dính vào tăm hương và định hình lên que hương.

Hương làng Chóa còn nổi tiếng bởi độ bền, không dễ gãy hay bị vỡ vụn. Không như các loại hương công nghiệp đầy hóa chất khác, chỉ cần bị ẩm là rất khó đốt, hương trám đen càng để lâu càng khô, có nhúng nước nhưng khi đốt lên vẫn cháy.

Hương Đen Làng Chóa có mùi thơm nhẹ của nhựa cây trám rừng, ít khói, không độc hại với sức khỏe con người, chịu được thời tiết nhiệt đới của Việt Nam nên thời hạn sử dụng trong khoảng từ 2,5-3 năm mà không hề ảnh hướng đến chất lượng khi đốt.

Hương đen làng Chóa có nhiều loại theo kích cỡ khác nhau, từ 30cm đến 1m2, giá thành từ 25.000 đến 300.000 đồng/100 cây. Thị trường tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang và các khu vực phía Nam.

Gìn giữ "lửa nghề"

Cũng như nhiều làng nghề thủ công khác, đến nay, nhiều người trẻ trong làng lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp hay đi làm ăn xa thay vì tiếp nối nghề truyền thống do tiền công ít. Chính vì vậy, quy mô làng nghề làm hương đen cũng đang dần bị thu hẹp.

Mặc dù vậy, hiện cả làng còn khoảng 50 hộ đang làm nghề. Họ vẫn chọn công việc làm hương với hy vọng sản phẩm sạch của quê hương sẽ được nhiều người biết đến và mở rộng quy mô sản xuất, giữ lửa cho nghề và truyền cho thế hệ mai sau.

Để nâng cao năng suất lao động, bên cạnh một số gia đình vẫn duy trì cách làm thủ công truyền thống, một số hộ gia đình đã sử dụng máy móc vào công việc làm hương, cho năng suất lao động cao hơn.

Công đoạn bó hương đen. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Nếu như làm thủ công bằng tay, một hộ gia đình trung bình làm được khoảng 400 đến 500 que mỗi ngày, thì khi sử dụng máy móc giúp giảm bớt người lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 10 lần so với làm phương pháp thủ công.

Để hương làng Chóa phát triển thành sản phẩm hàng hóa, Chính quyền thôn và xã cũng đã và đang vận động nhân dân duy trì nghề, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó phát huy và duy trì nghề truyền thống lâu đời cũng như lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của quê hương./.

(Vietnam+)