Giữ vững vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh BR-VT về những tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khi ông là Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/2021.

Mạnh về cảng biển, công nghiệp

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của BR-VT, trong 30 năm qua, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao.

BR-VT luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Nhờ đó, công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, từng bước đưa BR-VT trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, đồng thời ưu tiên thu hút phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới, như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại BR-VT. Một số DN đầu tư hiệu quả, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng đạt 70% tổng giá trị sản phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Quy hoạch, không gian các KCN được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó đã điều chỉnh diện tích KCN B1- Conac, thay đổi công năng KCN dầu khí Long Sơn, thành lập mới KCN ứng dụng công nghệ cao Hắc Dịch; KCN Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều dự án công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí cũng đang trở thành sự thật. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh khẳng định, cảng biển là “xương sống” trong phát triển kinh tế xã hội của BR-VT. Còn đối với các chuyên gia kinh tế, hệ thống cảng biển BR-VT sẽ tạo đòn bẩy, là đầu tàu để thúc đẩy kinh tế của tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, việc khai thác thế mạnh từ kinh tế biển được định hình rõ nét hơn. “Để có nền kinh tế phát triển bền vững, BR-VT sẽ tập trung đẩy mạnh 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 137,4 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, từ năm 2017, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã đón được tàu container có trọng tải đến 194.000 tấn cập cảng, đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ, không qua trung chuyển. Cung đường vận chuyển hàng hóa Việt Nam đi thẳng châu Âu và Bắc Mỹ không qua cảng trung chuyển đầu tiên của Việt Nam, xuất phát từ BR-VT đã rút ngắn lịch trình xuống 3-4 ngày/chuyến. Có tuyến, có luồng, có chân hàng từ Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ và khu vực Đông Nam bộ - đó là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cụm cảng khác trên cả nước trong việc đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Người dân TP.Vũng Tàu treo cờ Tổ quốc biểu thị quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sự chuyển mình bứt phá của du lịch BR-VT được minh chứng bằng những con số ấn tượng như: BR-VT có trên 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Một số dự án mới đã đưa vào khai thác kinh doanh góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Hồ Tràm Trip, Imperial, Pullman, Malibu, Melia Hồ Tràm, Marina Bay Vung Tau, Oceanami, khách sạn CAO… Những khu nghỉ dưỡng, khách sạn nằm gần biển với lối kiến trúc sang trọng và chất lượng phục vụ tốt đã để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách cả trong và ngoài nước. Nhờ nhiều công trình lớn, sản phẩm mới, từ năm 2015-2020, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 7,39%/năm; khách quốc tế có lưu trú tăng bình quân 0,68%/năm. Giai đoạn 2016-2020, lượng du khách đến tỉnh hàng năm trung bình khoảng 15 - 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm.

Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tới nhiều ngành khác. Diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa của người dân ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện rõ rệt.

Phát triển nhanh ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là phấn đấu đưa doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,81%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,4%/năm. Những giải pháp mang tính đột phá cho ngành du lịch cũng được xác định, đó là tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao...

Kỹ sư điều khiển máy móc tại Nhà máy khí Dinh Cố.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ