Giữa ồn ào nghẽn lệnh trên sàn, 'cha đẻ' đánh cồng chứng khoán lần đầu nói về nghi thức đánh cồng

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2020. (Ảnh:VGP).

Trong lịch sử gần 21 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp cùng đại diện Sở Giao dịch chứng khoán thực hiện nghi lễ đánh cồng khai trương trong phiên giao dịch chứng khoán đầu năm đã trở nên quá quen thuộc.

Tuy nhiên, lâu nay ít người biết về nguồn gốc của nghi thức nó có từ đâu, từ khi nào.

Lần đầu tiên chia sẻ về “sự tích” đánh cồng của TTCK Việt Nam, ông Lý Xuân Hải tự nhận mình chính là “cha đẻ” của ý tưởng này.

Theo ông Hải, đó là vào năm 2002, thời điểm Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) thực hiện tư vấn niêm yết cho Công ty cổ phần Thủy sản 4 (TS4). Trước khi niêm yết chỉ 03 ngày, trong lúc ngồi trao đổi với ông Trần Đắc Sinh – Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (TSC) – nay là Sở GDCK TP.HCM (HOSE) – ông Trần Đắc Sinh bày tỏ mong muốn TTCK Việt Nam học theo thông lệ của chứng khoán Mỹ là khi có thành viên mới chào sàn sẽ thực hiện nghi thức bấm chuông chào mừng.

“Tôi bảo: “Hay anh ạ. Nhưng mình là người Việt Nam, con cháu vua Hùng và văn hóa trống đồng. Để em tìm mua cái trống đồng tặng STC. Mỗi đơn vị chào sàn mình đánh trống đồng chào mừng cho mang nét văn hóa dân tộc. Bọn em tài trợ cho STC vụ này,” ông Lý Xuân Hải hồi tưởng.

Đề xuất này lập tức được ông Trần Đắc Sinh hưởng ứng, sau đó ông Lý Xuân Hải với tư cách là lãnh đạo ACBS khi đó đã giao việc cho các cấp dưới của mình đổ đi khắp Sài Gòn tìm cho được một cái trống đồng mô hình để tặng.

Tuy nhiên, sau 2 ngày không tìm đâu ra trống đồng, lại gặp đúng thời điểm đang có chương trình lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, ông Hải liền “chữa cháy” bằng ý tưởng dùng cồng chiêng thay cho trống đồng.

“Tôi bảo anh Sinh: “Không có trống đồng, thôi ta thay bằng cái chiêng. Cũng rất dân tộc anh ạ”. Anh Sinh đồng ý và còn nói thêm “Tụi em được quyền gắn chứ ACBS tặng”. Tôi bảo anh: “Tặng là tặng chứ không ghi tên làm gì. Quan trọng là mọi người thấy hay”.

Chỉ có một ngày trước ngày cổ phiếu TS4 chính thức giao dịch, ông Lý Xuân Hải đã thiết kế ra một cái giá gỗ treo chiêng để cấp dưới kịp làm gấp trong ngày. Thiết kế này nhanh chóng được phê duyệt và được đặt làm theo mẫu.

Người đầu tiên trong lịch sử ngành chứng khoán Việt Nam gõ chiêng lên sàn là ông Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TS4, đó là ngày 8/8/2002. Kể từ đó, mỗi khi có một doanh nghiệp nào lên sàn, dù là sàn HOSE hay HNX, đều thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch. Ngoài ra, đã có nhiều chính khách của Việt Nam và quốc tế đã đánh cồng tại HOSE hay HNX vào những dịp đặc biệt mỗi khi đến thăm nơi này.

Ông Hải cho biết, chiếc chiêng và giá treo năm nào đã được thay mới, nhưng điều thú vị là thiết kế giá treo vẫn không thay đổi là bao so với mẫu cũ. “Chứng tỏ tài năng thiết kế cũng được” ông Hải hóm hỉnh viết.

Ông Lý Xuân Hải, cựu SEO ngân hàng ACB.

Nhớ lại thời điểm thị trường chứng khoán còn sơ khai, ông Hải cho biết năm 2003 có ngày doanh số giao dịch của cả thị trường chỉ đạt 300 triệu đồng. Nhưng đến nay, quy mô giao dịch của thị trường có ngày đã đạt đến 1 tỷ USD. TTCK đã lột xác trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Hải cũng bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng “hạ tầng tắc nghẽn” trên sàn HOSE thời gian gần đây, gây nên bức xúc cho nhiều nhà đầu tư. Ông Hải cũng cho rằng TP.HCM đang có sẵn hình hài của một trung tâm tài chính của khu vực. Để làm được điều đó, cần có một chương trình chiến lược hợp lý và một bộ máy triển khai nhanh nhạy.

Ông Lý Xuân Hải, sinh năm 1965 tại Bình Định, là tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học. Làm việc tại ACB từ năm 1996 với vị trí Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng, đến đến 2005, ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng và có tên trong HĐQT từ 2008 đến 2012.
Ông Hải từng là lãnh đạo khá nổi tiếng trong giới ngân hàng, được bầu là Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2007 và năm 2010.
Sau biến cố tại ACB, ông Hải rẽ ngang một lĩnh vực hoàn toàn mới là tơ lụa với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc - Baoloc Silk Group đồng thời là cổ đông sáng lập. Ông sở hữu 27% vốn tại Baoloc Silk Group.
Tiếp đó, ông Hải còn làm Trưởng ban chiến lược tại Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) theo lời mời của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức.
Và mới đây nhất, sau lùm xùm về những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại và ban lãnh đạo của Coteccons, có thông tin cho rằng ông Hải đang là đại diện theo ủy quyền của ông Talgat Turumbayev, Giám đốc Kusto Group và Thành viên HĐQT của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD).

Hiền Anh