Gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Việt - Trung

Xe hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Văn Tiệp

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trở lại

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm trước đó. Trong 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Hiện, nông sản được xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền của các địa phương phía Bắc tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, mậu dịch nông sản song phương giữa các địa phương biên giới Việt Nam với Quảng Tây đạt hơn 4 tỷ Nhân dân tệ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong đó, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2022. Còn theo thống kê của Hải quan Côn Minh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc), kim ngạch thương mại nông sản giữa Việt Nam và Vân Nam đạt trên 6.300 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2022, chiếm khoảng 15% kim ngạch thương mại nông sản của tỉnh Vân Nam.

Dự báo, thời gian tới, nhiều mặt hàng trái cây vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu xuất khẩu là rất cao. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, sầu riêng, cam, thanh long, mít cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Theo Bộ Công thương, vụ vải và nhãn năm 2023 và nhiều mặt hàng trái cây khác, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại.

Thực tế, từ cuối tháng 5, lưu lượng phương tiện chở trái cây lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tăng đột biến do mặt hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế.

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện việc điều tiết phương tiện từ nội địa lên cửa khẩu theo hướng tận dụng tối đa hạ tầng cửa khẩu, hạn chế tối đa việc xe đỗ trên quốc lộ nhưng phải đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa được thông suốt.

Đồng thời trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) thống nhất kéo dài thời gian thông quan trong ngày tới 22 giờ (giờ Hà Nội) và tiếp tục đề nghị phía Bạn phối hợp điều tiết mặt hàng sầu riêng qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải áp lực của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Tháo gỡ rào cản

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu nông lâm sản giữa Việt Nam và Trung Quốc còn rất lớn. Ngay trong những ngày đầu tháng 6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác có sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Hải quan làm việc với Chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc qua hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên.

Kim ngạch xuất khẩu quả vải tươi sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại. Ảnh: Bích Nguyên

Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trước mắt, hai bên thống nhất chỉ đạo các đơn vị Hải quan, kiểm dịch hai bên cửa khẩu có cơ chế thường xuyên giao lưu trao đổi quy trình nghiệp vụ, cập nhật thông tin phối hợp thông quan nhanh chóng, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng tươi sống vào vụ thu hoạch nhằm giảm ùn ứ, thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản thông qua các cửa khẩu hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

Hai bên cũng nhất trí chỉ đạo tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại biên giới luân phiên hàng năm tại Quảng Tây, Vân Nam và các tỉnh của Việt Nam có chung biên giới nhằm tạo thêm cơ hội gặp gỡ giao thương giữa doanh nghiệp hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh biên giới nói riêng, cả nước nói chung.

Để gia tăng sự gắn kết và chủ động của doanh nghiệp hai nước, hai bên thống nhất chủ trương về xúc tiến thành lập hai Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam. Về lâu dài, hai bên nhất trí giao đơn vị đầu mối căn cứ ý kiến thống nhất tại cuộc hội đàm để khẩn trương trao đổi hoàn thiện tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ NN-PTNT với Chính quyền nhân dân hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào tháng 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, bao gồm: Chia sẻ thông tin; hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp; thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng hai bên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo Hải quan hai tỉnh, hai bên đã thống nhất một số giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan (tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên; hợp tác xuất nhập khẩu một cửa một điểm dừng; thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau; nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm...).

Đồng thời cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông lâm thủy sản; tổ chức họp luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa Cục Hải quan Quảng Tây, Vân Nam với Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất nhập khẩu và định hướng triển khai trong năm tiếp theo. Hai bên nhất trí cùng phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản; bổ sung doanh nghiệp nông sản, thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như cho phép thủy sản sống của Việt Nam xuất qua cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.

Bích Nguyên