Hà Giang: Hướng tới phát triển mạnh kinh tế biên mậu

Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo. Ảnh: Phương Tú

Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 5 lần

So với các địa phương trong cả nước, Hà Giang có nhiều yếu tố không thuận lợi do địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông chưa phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, Hà Giang lại là một trong số ít tỉnh của các nước có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 277 km, cùng các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở qua lại trên biên giới…

Bên cạnh đó, Hà Giang hiện có 54% người lao động đã qua đào tạo; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cả về kim loại và phi kim; có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ; có nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, cây dược liệu đủ đáp ứng cho công nghiệp chế biến phát triển; có nhiều lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch...

Xác định được các lợi thế này, mấy năm trở lại đây, Hà Giang đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch, đề án và các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển kinh tế biên mậu và đạt được những thành quả nhất định. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Hà Giang đạt trên 6,1 tỷ USD, tăng 4,85 lần so với giai đoạn 2011-2015. Thu thuế XNK đạt bình quân trên 200 tỷ đồng/năm; thu hút 40 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy với trên 2.800 tỷ đồng. Trong đó, 30 doanh nghiệp/dự án đã đầu tư đi vào hoạt động, 7 doanh nghiệp/dự án đang thực hiện đầu tư, 3 doanh nghiệp/dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Chủ động khai thác tiềm năng

Có được những con số đáng khích lệ trên là do giai đoạn 2016-2020, Hà Giang đã có thêm cặp cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc) được mở chính thức. Địa phương cũng đã hoàn thành xây dựng hồ sơ xác định phạm vi khu vực cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và hồ sơ mở các cặp cửa khẩu song phương, lối mở trên tuyến biên giới; hoàn thiện thỏa thuận với Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam về việc xây dựng cầu qua biên giới và mở đường chuyên dụng hàng hóa thuộc cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; đầu tư 4 dự án giao thông, 7 dự án xây dựng kho bãi, nhà hàng phục vụ xuất, nhập khẩu, 2 dự án xây dựng chợ, 2 dự án kè chống sạt lở, 2 dự án san ủi mặt bằng... để phục vụ phát triển kinh tế biên mậu.

Đặc biệt, là tỉnh miền núi xa xôi, khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc, nhưng các thủ tục hành chính cũng được Hà Giang tích cực cải cách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo vận hành thông suốt 24/24 giờ/tuần, giảm thời gian thông quan hàng hóa… Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp XNK; bắt kịp với yêu cầu của thương mại quốc tế.

Cùng với việc hạ tầng được đầu tư ngày một khang trang, đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy đã cơ bản được lấp đầy, bình quân số thu qua cửa khẩu 5 năm trở lại đây chiếm 10% tổng thu ngân sách của Hà Giang; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho một bộ phận nhân dân trên địa bàn.

Kết quả này tiếp tục khẳng định, định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy để thúc đẩy kinh tế biên mậu của Hà Giang là chủ trương đúng đắn. Kinh tế biên mậu hoàn toàn có thể trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương này.

Với địa bàn chia cắt, đầu tư cho giao thông của Hà Giang đòi hỏi một nguồn lực lớn. Ảnh: Phương Tú

Thời gian tới, để kinh tế biên mậu của Hà Giang có những bước tiến mới, “nút thắt” quan trọng cần “tháo gỡ” đối với Hà Giang hiện nay là hạ tầng giao thông khi mà Hà Giang là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, địa bàn lại chia cắt nhưng nguồn lực đầu tư cho giao thông còn hạn hẹp, cơ chế quản lý còn bất cập chồng chéo.

Ông Hoàng Gia Long, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Giang cho biết, mấy năm qua, cùng với việc từng bước đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, đường liên kết vùng, Hà Giang đã rất tích cực phối hợp hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ đưa vào quy hoạch đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có chiều dài gần 150 km (từ cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tới điểm giao IC14 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai) và tuyến cao tốc cửa khẩu Thanh Thủy - Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025, Hà Giang sẽ tiếp tục chú trọng nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới; tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa và đảm bảo an toàn giao thông. Đây được xem là những nỗ lực để “kéo” các cửa khẩu, lối mở gần hơn, đưa Hà Giang trở thành lựa chọn ưu tiên đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc.

Phương Tú