Hà Nội cần trở thành trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.

Từ nền tảng ban đầu...

- Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị không phải là vấn đề mới nhưng luôn thời sự, được các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Nông nghiệp Thủ đô quan tâm đẩy mạnh. Đồng chí có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, thì việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là đòi hỏi tất yếu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm nhu cầu người tiêu dùng về chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Giai đoạn 2010-2015, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức khảo sát, thành lập các hội chăn nuôi tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu hàng hóa… qua đó hình thành hơn 40 chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: “Gà mía Sơn Tây”, “Gà đồi Sóc Sơn”, “Trứng vịt Liên Châu”, “Vịt Vân Đình”; “Thịt lợn AZ”, “Thịt sinh học Quốc Oai”, “Sữa Ba Vì”…

Sang giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, đến nay đã xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Một số địa phương có số chuỗi phát triển nhanh, điển hình như: Sơn La 144 chuỗi, Hà Nội 141 chuỗi, Hà Nam 21 chuỗi... Từ giai đoạn này, vai trò kết nối vùng của Hà Nội đã được khẳng định. Nếu như trước đây chỉ hướng tới thị trường Hà Nội thì hiện nay thông qua việc liên kết chuỗi, nông sản của các địa phương không chỉ tiêu thụ tại Hà Nội mà còn vươn ra thị trường cả nước và xuất khẩu.

- Với những đặc thù như thị trường tiêu thụ lớn, địa bàn nông thôn rộng, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao…, việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Đúng vậy! Hà Nội cần trở thành trung tâm kết nối, tiêu thụ nông sản để từ đó hình thành nền nông nghiệp thị trường giá trị cao, xứng tầm Thủ đô. Giai đoạn 2016-2020, Sở NN&PTNT đã đề xuất thành phố xây dựng khu phức hợp sơ chế, xử lý sản phẩm và triển lãm, giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu. Tôi hy vọng, thời gian tới đề xuất trên sẽ thành hiện thực, vì thực tiễn đã chứng minh Hà Nội là điểm hội tụ, kết nối, đầu mối lưu thông hàng hóa tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.

... đến xác lập trung tâm kết nối sản xuất, tiêu thụ

- Với việc trở thành một mắt xích quan trọng trong liên kết sản xuất nông nghiệp và là một trung tâm kết nối tiêu thụ theo chuỗi giá trị, xin đồng chí cho biết những “đầu việc” cụ thể cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng phải làm?

- Để Hà Nội trở thành một trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp, một trung tâm kết nối tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hiện thành phố còn rất nhiều việc phải làm.

Với cơ quan quản lý, trước hết cần tham mưu với thành phố nâng cấp những chuỗi liên kết trở thành những chuỗi giá trị để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm… thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật với những hành vi phá vỡ liên kết, không bảo đảm chất lượng sản phẩm theo hợp đồng ký kết... Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi để phát triển các chuỗi giá trị thay thế phương thức tổ chức sản xuất truyền thống đang tồn tại nhiều bất cập hiện nay.

Với người sản xuất nếu đã có sinh kế khác hoặc không mặn mà với sản xuất nông nghiệp có thể mạnh dạn thay đổi, học nghề…, phần đất nông nghiệp không sản xuất có thể cho thuê hoặc góp vào hợp tác xã để sinh lợi. Những hộ có nhu cầu sản xuất thì liên kết thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp làm tốt vai trò đầu mối liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư vào chế biến để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…

Với người dân, nhất định phải thay dần thói quen tiêu dùng, tìm hiểu kỹ nông sản, mua sản phẩm từ các chuỗi giá trị… để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đây chính là việc dùng quyền lực người tiêu dùng để góp phần làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất truyền thống hiện nay.

- Quá trình thực hiện liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị thời gian qua bộc lộ nhiều khó khăn, xin đồng chí chia sẻ về vấn đề này?

- Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Nguyên nhân chính do Hà Nội và các địa phương hiện nay chưa có sự đồng bộ trong quá trình triển khai các giải pháp; còn tình trạng cơ quan quản lý làm thay việc của doanh nghiệp; thiếu sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp dù họ là thành tố quan trọng trong chuỗi liên kết…

Cùng với việc khắc phục những hạn chế, thời gian tới việc hợp tác, liên kết cần phải phát huy được tối đa lợi thế của từng địa phương. Đó là giải pháp hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, phát triển đặc sản vùng miền, trăm hoa đua nở.

Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ giao thương của cả nước, có sức hút đầu tư và có nhiều nhà đầu tư đáp ứng xu thế phát triển mới; mặt khác, Hà Nội có dân số hơn 10 triệu người, là đầu mối mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, Hà Nội cần trở thành trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản và là động lực phát triển nông nghiệp cho cả nước.

- Giải pháp cho vấn đề phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được đề cập nhiều. Đồng chí có thể nêu những giải pháp căn cơ nhất nhằm thực hiện hiệu quả mô hình này?

- Giải pháp căn cơ nhất hiện nay chính là thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất theo chuỗi giá trị; cùng với đó là tập trung ruộng đất, thành lập các hợp tác xã, liên kết doanh nghiệp, phát triển chế biến và hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch mới.

Với Hà Nội, cần quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các cửa ngõ vào Thủ đô, có vị trí giáp ranh các tỉnh. Nông sản của các địa phương khác chỉ vào chợ đầu mối và phải qua quá trình kiểm soát hồ sơ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm mới được đưa ra thị trường. Xung quanh chợ đầu mối phải bố trí các cơ sở chế biến; các cơ quan quản lý, đơn vị có chức năng phân tích chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Trong đô thị cần hình thành các trung tâm đầu mối triển lãm, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, Hà Nội sẽ tập trung triển khai những giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu - kể cả thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô và cả nước; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như kết nối tiêu thụ cây, con giống và thực phẩm chế biến sâu tới các thị trường trong nước, quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đỗ Minh