Hà Nội có 'chìa khóa vàng' phát triển đường sắt đô thị

Giải pháp then chốt rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đường sắt đô thị

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 chương với 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Đặc biệt, tại Luật này, Quốc hội kiến tạo nhiều chính sách có tính đột phá giúp à Nội phát triển không gian cũng như là hạ tầng giao thông.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội.

Cụ thể, Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Chia sẻ về Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội - thành viên Tổ soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể xem như Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc "chìa khóa vàng".

"Chiếc "chìa khóa vàng" ấy sẽ mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị", ông Hiếu nhìn nhận.

Ông Hiếu cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy đường sắt đô thị, TOD phát triển.

Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: Thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm đường sắt đô thị; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án đường sắt đô thị.

Tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô mới, khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án đường sắt đô thị.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Theo ông Hiếu, tại khoản 1 Điều 37, thẩm quyền về đầu tư tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra khái niệm: "Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND TP Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô".

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là đường sắt đô thị.

Hà Nội chủ động hoàn toàn trong giải phóng mặt bằng

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của áp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: Đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng.

Luật Thủ đô (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển đường sắt đô thị.

Dự án sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.

Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cũng cho biết, tại khoản 1 Điều 38, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xem như liều thuốc tăng lực rất mạnh với nội dung: "Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập".

Đồng thời, khoản 2 Điều 38 cũng nêu rõ, căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Quyết định đầu tư là căn cứ để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Thành phố ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.

"Như vậy nút thắt giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội đã được tháo gỡ. TP Hà Nội có thể chủ động hoàn toàn trong giải phóng mặt bằng cũng như thời điểm thực hiện dự án", ông Hiếu nói.

Cần hỗ trợ để hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Ông cho biết, hầu hết ở các quốc gia đều có luật dành riêng cho Thủ đô, vì đây là trái tim của đất nước nên cần có những cơ chế hết sức đặc thù.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Quan trọng hơn, Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, do vậy những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có quyết sách sớm, điều chỉnh ngay những bất hợp lý mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến Chính phủ.

Ông Ngân nhìn nhận các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện và bày tỏ sự quan tâm đến phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô.

Theo ông Ngân, những phân cấp đó sẽ giúp Hà Nội giảm tắc nghẽn về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học… giúp mở rộng không gian phát triển, giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

"Cần có hỗ trợ để hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô, mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm", ông Ngân nói.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, TP Hà Nội có kế hoạch mở rộng năm không gian phát triển đô thị, ngoài đô thị trung tâm còn có bốn đô thị vệ tinh nên cần phải có kết nối hạ tầng.

"Muốn kết nối hạ tầng thì phải có nguồn lực, phải có phân cấp mới làm nhanh được. Luật Thủ đô sửa đổi đã đẩy mạnh phân cấp để giải quyết những vấn đề đang đặt ra của thành phố", ông Ngân nhấn mạnh.

Phùng Đô