Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Năm 2020, công tác an toàn, vệ sinh lao động của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, huấn luyện… đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đều có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, để kịp thời chấn chỉnh phòng ngừa tai nạn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, ngày 28/5/2020, UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập 2 đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại 25 công trình xây dựng có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra 42 doanh nghiệp và 4 công trình xây dựng. Qua công tác kiểm tra đã có 296 kiến nghị khắc phục thiếu sót tại các dự án công trình xây dựng về ATVSLĐ, PCCC và đã lập biên bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 nhà thầu, tư vấn giám sát và doanh nghiệp với số tiền là 242 triệu đồng.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố làm tốt công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ. Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại 32/35 doanh nghiệp có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp (đạt 91,4% so với kế hoạch). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tham gia cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế kiểm tra công tác này tại 54 đơn vị trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Sở Xây dựng ban hành 3 kế hoạch kiểm tra đối với 15 công trình trên địa bàn; tổ chức kiểm tra chất lượng, an toàn xây dựng sử dụng vốn ngân sách tại 45 công trình (thuộc 15 quận, huyện, thị xã). Tổ chức kiểm tra, tham gia ý kiến về biện pháp thi công bảo đảm ATLĐ trong việc sử dụng cần trục tháp trong thi công xây dựng công trình đối với 50 dự án. Qua kiểm tra, đánh giá cơ bản công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thi công tại các dự án đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công chú trọng thực hiện theo các quy định hiện hành.

Sở Công Thương trong năm 2020 đã xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh LPG, gồm: 8 trạm nạp, trạm cấp gas; kiểm tra công tác quản lý vật liệu nổ 2 đơn vị; kiểm tra hoạt động điện lực tại 72 đơn vị; kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại 19 đơn vị; kiểm tra thương mại điện tử tại 30 đơn vị.

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, trong đó có lồng ghép kiểm tra công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ tại 432 đơn vị, doanh nghiệp. Đối với những đơn vị đã hoàn tất công tác kiểm tra, có 539 lỗi thiếu sót, tồn tại và vi phạm quy định pháp luật. Các đoàn kiểm tra đã kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ngay thiếu sót tồn tại; yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động đối với 9 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được kiểm định an toàn…

Đáng chú ý, trong năm 2020, có 6.115 Công đoàn cơ sở đã thực hiện công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ, có 7.316 kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và yêu cầu bổ sung ngay các nội quy, quy trình làm việc an toàn. Ngay sau khi có kiến nghị, có 3.702 nội quy, quy trình làm việc an toàn được bổ sung, số còn lại các đơn vị đã khắc phục đúng theo cam kết trong biên bản kiểm tra.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là đối tượng lao động không theo hợp đồng lao động (lao động tự do), làng nghề và người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Cùng với đó, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và của công dân…

HP