Hà Nội thu hút đầu tư vào chế biến nông sản

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo thống kê của Sở NN&PTNT à Nội, trên địa bàn thành phố hiện đã có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản. Tuy nhiên, đa số quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế, xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm chưa cao.

Dây chuyền giết mổ gia cầm công nghiệp tại Công CP Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy với công nghệ chế biến hiện đại, song do không gắn với vùng nguyên liệu và định hướng tiêu thụ, xuất khẩu nên chỉ hoạt động một thời gian là bị thua lỗ.

Đơn cử, năm 2010, Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm (huyện Đan Phượng) đầu tư hơn 30 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền giết mổ lợn (công suất 600 con lợn/ngày. Sau vài năm hoạt động, do thị trường đầu ra không ổn định nên phải đóng cửa.

Một số doanh nghiệp khác đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến song đến nay cũng chỉ hoạt động 15 - 30% công suất thiết kế do chưa có thị trường, như: nhà máy giết mổ gia súc của Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín); nhà máy giết mổ, sơ chế của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai)...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn thành phố chưa có doanh nghiệp nào được hưởng quy định này. Nguyên nhân chính do chưa có chính sách về quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến gắn với vùng sản xuất; khả năng tiếp cận vốn ngân hàng khó do vướng về thế chấp, chứng minh tài chính, hỗ trợ sau đầu tư…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, Hà Nội khó xây dựng vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến sâu; việc xây dựng kênh phân phối sản phẩm cũng hạn chế nên đầu ra bấp bênh.

Đầu tư cho khâu chế biến

Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc song Hà Nội cũng đã có những mô hình chế biến sâu đạt hiệu quả.

Sản xuất miến tại môt cơ sở trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai.

Khởi đầu vào năm 2008, với 2ha ở phường Cự Khối (quận Long Biên), Nông trại hữu cơ Tuệ Viên là một trong những thương hiệu rau hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội đưa vào các hệ thống siêu thị. Trung bình mỗi năm Nông trại hữu cơ Tuệ Viên đạt doanh thu hàng tỷ đồng từ sản xuất rau hữu cơ và các sản phẩm chế biến từ cây lá, như: dầu gội, nước rửa bát, nước rửa tay…

Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) Lê Hoàng Vinh chia sẻ, để thu mua sữa tươi cho nông dân địa phương khi có sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ chậm, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, chế biến sữa tươi thành sản phẩm sữa chua, bánh sữa... Tuy nhiên, muốn thành công rất cần gắn với vùng nguyên liệu, thiết lập được thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.

Nói về vấn đề đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, ông Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội sẽ lựa chọn sản phẩm thế mạnh, có vùng sản xuất lớn để đầu tư chế biến sâu. Theo đó, đối với nhóm cây ăn quả tập trung vào sản phẩm chuối sấy khô; cam, bưởi ép nước; đối với cây rau, tập trung vào nhóm gia vị chế biến hương liệu, sản phẩm thực dưỡng; với chăn nuôi, tập trung chế biến các loại sản phẩm từ thịt lợn.

Cùng với giải pháp nêu trên, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số…

Thực hiện chính sách này, ngành nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời nắm bắt vướng mắc khi triển khai nghị quyết để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn…

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% số cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.

Ngọc Ánh