Hải Dương: Kinh tế nhiều khởi sắc

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Hải Dương năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng khá

Năm 2023, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) của ải Dương đạt 184.123 tỷ đồng, tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt khoảng 8,5%, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành: Nông, lâm, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ tương ứng là: 8,8% - 61,8% - 29,4%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước của Hải Dương đạt 20.319 tỷ đồng, tăng 15% so với dự toán, trong đó thu nội địa 17.450 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 2.789 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP ước đạt 33,1%, vượt kế hoạch đề ra.

Trong đầu tư công, Hải Dương thực hiện phân bổ và triển khai kịp thời nguồn vốn ngay từ đầu năm. Công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công được quyết liệt triển khai thực hiện, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, triển khai dự án, đề ra nhiều giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch.

Đặc biệt, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng vượt bậc về vốn đăng ký, cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của Hải Dương. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất cao, tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ 136 triệu USD, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2022, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng lần lượt 15% và 12,6% so với kế hoạch.

Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh

Trong năm 2023, Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh hiện đại. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai đầu tư 13 dự án trọng điểm thuộc 4 trục giao thông kết nối quan trọng và các dự án kết nối vùng. Phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thống nhất phương án đầu tư dự án giao thông kết nối vùng. Hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công 2 nút giao với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết các vướng mắc tại các dự án lưới điện 110kV, 220kV, 500kV đi qua địa bàn.

Hệ thống giao thông đường bộ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Năm qua, Hải Dương tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng ICT là nền tảng cho chuyển đổi số. Triển khai rộng rãi phủ sóng băng thông rộng chất lượng cao. Duy trì và đảm bảo kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi mạng IPv4 sang IPv6. Đầu tư, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho trung tâm dữ liệu tỉnh…

Đồng thời, tỉnh cũng từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới một số công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và thiết chế cơ sở. Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nhà ở và đề án phát triển nhà ở xã hội. Đẩy nhanh tiến độ lập phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị. Điều chỉnh chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030. Rà soát, phân bổ, tổ chức lại không gian phát triển các ngành, lĩnh vực tạo sự hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn…

Hải Dương tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Duy trì và nâng cao chất lượng theo các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, dự kiến có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao đối với huyện Cẩm Giàng.

Trong phát triển các khu, cụm công nghiệp, năm 2023 Hải Dương tiếp nhận 2 Khu công nghiệp Hoàng Diệu và Hưng Đạo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu công nghiệp. Tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện xây dựng hạ tầng, nhanh chóng bàn giao đất để các chủ đầu tư thi công hạ tầng, tạo sẵn mặt bằng cho việc thu hút đầu tư.

Năm 2024 với nhiều kỳ vọng

Năm 2024, tỉnh Hải Dương phấn đấu đạt và vượt 15 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9% trở lên; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%; thu ngân sách nội địa phấn đấu tăng 10% so với dự toán; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 205 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 16,8%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15% so với thực hiện năm 2023; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%.

Năm 2024, Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Để đạt được mục tiêu này, Hải Dương đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, quyết liệt như: Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; hoàn thiện quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phù hợp với quy hoạch tỉnh; tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, đảm bảo sự đồng, bộ thống nhất.

Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, các nghị quyết, kết luận, chương trình, đề án và kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự phát triển bứt phá, nhanh và bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp theo bốn trụ cột; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và các ngành công nghiệp có tiềm năng; hướng tới hình thành ba vùng công nghiệp theo quy hoạch. Chủ động nắm bắt, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Phát triển các ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, có chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tỉnh tiếp tục bảo đảm các cân đối lớn và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác của Nhà nước để duy trì, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, phát triển.

Bố trí, phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, dự án kết nối vùng. Tăng cường công tác chỉ đạo, đi đôi với việc kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp để khuyến khích và mở rộng tiêu dùng, nâng cao tổng cầu, kết hợp thực hiện tốt chính sách kích cầu đầu tư với kích cầu tiêu dùng. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản để người dân thuận lợi đầu tư xây dựng nhà ở, kích thích giao dịch bất động sản.

Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển nhà ở đô thị, trong đó trọng tâm phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có công; hoàn thành các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới.

Lan Hạ