Hải Phòng: Chọn công việc y tế thôn vì trách nhiệm với cộng đồng

Nhiều năm qua, chuyện về y sĩ Vũ Văn Năm (xã Tân Viên, huyện An Lão, ải Phòng) tình nguyện gia nhập y tế thôn để khám và sơ cứu tại chỗ cho người dân khiến nhiều người cảm động.

Theo lời kể của người làng thôn Du Viên, huyện An Lão, Hải Phòng, y sĩ Vũ Văn Năm là người địa phương sống vui vẻ, gần gũi và nắm rõ địa bàn nên mỗi khi trong thôn có ai bị ốm đau cần hỗ trợ, y sĩ Năm rất nhanh có mặt sơ cứu và hướng dẫn gia đình cách xử lý. Hơn 20 năm gắn bó công việc chăm sóc sức khỏe cho người trong thôn nên y sĩ Năm giống như "kho tư liệu" về bệnh án của mỗi người dân. Mỗi khi ai có bệnh cần trợ giúp, y sĩ Năm đều đọc vanh vách tiền sử bệnh của người đó, giúp công tác sơ cấp cứu được thuận lợi và kịp thời hơn.

Y sĩ Vũ Văn Năm đến khám sức khỏe cho bệnh nhân trong thôn Du Viên với tinh thần vì trách nhiệm cộng đồng.

Biết phóng viên đến tìm hiểu về câu chuyện cống hiến cho cộng đồng của y sĩ Vũ Văn Năm, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Viên cho biết: "Sự xuất hiện và tham gia tình nguyện vào y tế thôn Du Viên của y sĩ Vũ Văn Năm phải nói rất hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho công tác tại Trạm rất nhiều. Thường, để thay đổi thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe cho bà con thì phải mất nhiều năm kiên trì tuyên truyền. Nhưng với anh Năm, lợi thế là người địa phương, sống gần gũi với người trong thôn, nắm được hoàn cảnh, tiền sử bệnh của người dân nên khi tiếp cận để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen đều rất thuận, hiệu quả".

Cũng theo bà Thoa, do địa bàn xã Tân Viên rộng nên nhân viên y tế thôn ở đây thường phải thực hiện rất nhiều phần việc như hướng dẫn người dân việc phòng dịch; tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; theo dõi sức khỏe; ăn uống vệ sinh; rà soát danh sách trẻ em đến kỳ tiêm chủng, gọi điện nhắc hoặc đến tận nhà, đưa giấy mời trẻ em ra trạm y tế xã tiêm phòng các loại vaccine đúng lịch v.v…

Công việc nhiều là thế, không lương chỉ có phụ cấp hơn 400 ngàn đồng/tháng nhưng bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và lòng yêu nghề, lực lượng y tế thôn cũng như y sĩ Năm luôn động viên, miệt mài bám địa bàn, làm tốt công việc mà mình đã chọn.

Y sĩ Vũ Văn Năm cho biết, làm y tế thôn là vì trách nhiệm với cộng đồng, không vì bản thân.

Nhắc về việc tình nguyện tham gia công việc y tế thôn của mình, y sĩ Vũ Văn Năm mỉm cười, kể: Tôi nhập ngũ năm 1982 và tham gia nghĩa vụ quân sự taịi sư đoàn 433, đóng quân Cẩm Bình (tỉnh Hải Hưng cũ). Đến cuối năm 1985 thì rời quân ngũ, về địa phương lao động, lập gia đình, sinh con. Trước khi rời quân ngũ, tôi được đơn vị cử tham gia lớp đào tạo y sĩ đa khoa. Cũng nhờ quá trình học tập này, tôi thấy nghề y thật đáng trân trọng và rất hứng thú với công việc này.

Từ lúc về quê, tôi cũng trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh cuộc sống nhưng trong lòng lúc nào cũng quanh quẩn nghĩ về khoảng thời gian được đào tạo, tập huấn về y tế. Đến năm 1990, sau khi suy nghĩ mọi điều từ bản thân tới gia đình, tâm tư thôi thúc muốn dùng kiến thức ngành y được học để giúp đời, giúp người…, tôi quyết định gia nhập đội ngũ y tế thôn tại địa phương. Kể từ đó, tôi đã gắn với nghề y với vai trò y sĩ thôn.

Công việc thực sự khiến tôi thấy vui, sống có ý nghĩa hơn. Có lần nhận điện thoại báo trong thôn có một sản phụ mới sinh con được 2 tháng có biểu hiện đau bụng mà không rõ nguyên nhân, y sĩ Năm đã đến ngay gia đình để kiểm tra, sơ cứu. Tại đây, qua thăm khám, y sĩ Năm nhận định, sản phụ có nhiều biểu hiện của viêm ruột thừa. Lúc này, bệnh nhân nằng nặc yêu cầu hỗ trợ tiêm giảm đau nhưng y sĩ Năm kiên quyết từ chối và yêu cầu gia đình đưa đi bệnh viện gần nhất cấp cứu. Và rất may, bệnh nhân được phát hiện và vào viện kịp thời nên ca phẫu thuật diễn ra an toàn, tính mạng bệnh nhân được đảm bảo, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

"Công việc y tế thôn thì nhiều mà mức trợ cấp cho y tế thôn lại rất thấp không đủ việc "rau mắm" hàng ngày nên tôi phải kiêm thêm một số việc khác trong thôn để duy trì cuộc sống và nhiệt huyết của mình. Phải nói thật, nhân viên y tế thôn gắn bó với công việc chủ yếu là vì tinh thần trách nhiệm với cộng đồng"- ông Năm cho biết.

Đánh giá về công tác y tế thôn tại địa phương và sự cống hiến thầm lặng của những người như y sĩ Vũ Văn Năm, Trưởng phòng y tế huyện An Lão - Đặng Hữu Rạng cho hay: "Cán bộ y tế thôn là những người rất trách nhiệm với cộng đồng, người dân. Trước mỗi đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hay khám chữa bệnh tại cộng đồng, cán bộ y tế thôn phải tới từng nhà vận động người dân sắp xếp thời gian, công việc để tới địa điểm thăm khám. Từ những buổi khám bệnh này, nhiều trường hợp người dân mắc bệnh được phát hiện và chuyển lên tuyến trên chữa trị kịp thời. Hàng năm, phòng lập danh sách cử cán bộ y tế thôn tham gia các lớp tập huấn chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng tránh bệnh dịch, chăm sóc sản phụ tại gia đình, vận động người dân trồng thuốc nam, giữ gìn vệ sinh trong ăn uống và trang bị kiến thức quản lý nhà nước. Các trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện muốn thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân phải có hệ thống cán bộ y tế thôn tận tình với công việc. Tuy nhiên, để đội ngũ y tế thôn làm tốt nhiệm vụ của mình, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, Trung tâm y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tạo mọi điều kiện cho lực lượng y tế thôn hoạt động. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương khuyến khích nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ để nâng cao thu nhập trước mắt".

"Về lâu dài, chúng tôi mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và đề nghị Trung ương có những chính sách ưu đãi phù hợp đối với đội ngũ y tế thôn. Từ đó giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài, cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng…", bác sĩ Thoa – Trưởng trạm y tế xã Tân Viên bày tỏ.

Đằng Giang