Hải Phòng: Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia bị xâm hại như thế nào?

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình tu bổ di tích cấp quốc gia - chùa Trà Phương (huyện Kiến Thụy, ải Phòng), một phần kiến trúc nghệ thuật của chùa này đã bị 'xâm hại'; thậm chí biến mất khiến họ lo lắng cho sự 'an nguy' của di tích này.

Để làm rõ nội dung phản ánh trên, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã về chùa Trà Phương tìm hiểu và ghi nhận thực tế.

Phá bỏ một phần khu thờ Tam bảo để mở rộng không gian thờ

Theo quan sát của phóng viên, chùa Trà Phương có diện tích khoảng 3000m2 nằm trên trục đường chính của xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, là di tích cấp quốc gia được Bộ VHTTDL công nhận năm 2007.

Di tích quốc gia chùa Trà Phương trước khi bị xâm hại, phá bỏ. Ảnh: CTV

Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng khuôn viên di tích quan trọng này để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, chính quyền xã đã lập đề án trình UBND huyện đề nghị được tu bổ, xây dựng chùa.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ tu bổ chùa Trà Phương, UBND huyện Kiến Thụy đã trình UBND thành phố xin phê duyệt dự án.

Ngày 5/2/2022, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế, kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia này.

Theo dự án được duyệt, công trình khởi công xây dựng từ cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025.

UBND xã Thụy Hương được phân công là Chủ đầu tư dự án và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng, tiếp thu và thực hiện đầy đủ các ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức thi công theo đúng nội dung được phê duyệt….

Tiếp nhận phân công, UBND xã Thụy Hương đã giao Ban tu bổ, tôn tạo chuẩn bị các công việc cho việc thi công dự án, trực tiếp là Tiểu ban Quản lý di tích thôn Trà Phương do ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng thôn, Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm chỉ đạo.

Tuy nhiên, trong quá trình tu bổ, xây dựng, Tiểu ban Quản lý di tích do ông Nguyễn Văn Tình (Trưởng thôn) cùng sư trụ trì nhà chùa đã tự ý phá dỡ các hạng mục ngoài phương án đã được phê duyệt mà không báo cáo lên cấp trên. Cụ thể, hạng mục Tam bảo bị phá dỡ toàn bộ tường hồi của tiền đường, di chuyển vị trí thờ của hai Bảo vật quốc gia vào ngày 21/3/2023; hạng mục Nhà Tổ đã bị phá dỡ hoàn toàn vào ngày 10/4/2022.

Ngôi chùa cổ Trà Phương đã bị cắt bỏ 3 gian để nhường chỗ cho khu thờ mới (bên phải)

Theo lời một phật tử thường xuyên dọn dẹp, trông coi ngôi chùa này, ngay khi phát hiện một phần kiến trúc của chùa Trà Phương bị phá bỏ, tháo dỡ không đúng thiết kế được duyệt, chính quyền huyện Kiến Thụy cùng cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra, yêu cầu tạm dừng thi công công trình này.

Thừa nhận sai sót không giám sát quá trình thi công

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống về dự án tu bổ chùa Trà Phương bị 'xâm hại', ông Vũ Duy Quận, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương thừa nhận chính quyền xã đã sai sót trong quản lý, giám sát thi công dự án này nên đã xảy ra sự việc trên.

Theo lý giải của ông Quận, Tiểu ban Quản lý được xã phân công bám sát việc thi công dự án nhưng đã không sát sao dẫn đến đơn vị thi công làm việc không đúng với bản thiết kế và xảy ra tình trạng phá hủy một phần tường hồi của hạng mục Tam Bảo đã được xếp hạng.

Không khó nhận ra 3 gian thờ Tam bảo bị thay thế bằng công trình ốp gạch cao như tường thành (bên phải).

Sau lưng nhà Tam bảo giờ là bãi đất trống đang đổ vôi thầu và móng chắc chắn.

Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kiến Thụy cho biết, địa phương cũng thực hiện đầy đủ quy trình nhưng khi giao cho bên thi công thì lại thực hiện không đúng theo thiết kế. Trước đó (11/8/2023), khi phát hiện sai phạm trong thi công được phép xây 7 gian nhưng tự ý phá bỏ 1 phần khu thờ Tam bảo làm thêm 2 gian, Phòng đã xuống kiểm tra, lập biên bản đình chỉ thi công và báo cáo huyện, Sở Văn hóa và thể thao.

Mới đây, Sở đã xuống lập biên bản đình chỉ thi công toàn bộ công trình và yêu cầu địa phương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc sai phạm.

Qua sự việc này, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã hướng dẫn đơn vị Chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo thiết kế hiện trạng để tiếp tục xin ý kiến của Thành phố và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong thời gian sớm nhất sẽ được phê duyệt theo thiết kế hiện trạng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

Việc kinh phí thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích ngôi chùa hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do trụ trì chùa kêu gọi đóng góp, ông Minh cho biết thêm.

Được ví như danh lam thắng cảnh thời bấy giờ, chùa Trà Phương từng được quốc sư về thuyết pháp, giảng kinh. Sau khi nhà Mạc thất bại, quan quân Lê - Trịnh đã san bằng vùng đất Dương Kinh, tàn phá nặng nề nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn triều đại trước, trong đó chùa Trà Phương đã trở thành phế tích. Đến thời nhà Nguyễn, chùa Trà Phương được trùng tu lại nên hiện nay mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.

Minh Lý - Tiến Sinh