Hàng ngàn người dự Lễ nghinh thần độc đáo ở Đồng Nai

Ngày 19/2, hơn một ngàn người hóa trang thành thần tiên, nhân vật lịch sử, múa lân sư rồng, mặc trang phục truyền thống tham gia Lễ nghinh thần độc đáo diễu hành qua các tuyến phố trung tâm TP Biên Hòa và sông Đồng Nai.

Chùa Ông Cù Lao Phố có tục danh là Quan Đế Miếu, sau tôn tạo và đổi thành Thất phủ Cổ miếu, thuộc khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa. Lễ nghinh thần và nhiều lễ hội khác diễn ra tại đây trong 5 ngày từ Mùng 9 – 13 tháng Giêng, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức trên cả sông và đường bộ. Trước khi diễu hành đường bộ, đoàn gồm 10 chiếc phà đã nghinh Đức Ông (tướng quân Trần Thượng Xuyên) trên sông Đồng Nai từ cầu Ghềnh đến cầu Hóa An qua trung tâm TP Biên Hòa dài hơn 1km.

Chùa Ông Cù Lao Phố được khai tạo năm 1684, sở dĩ, đây được xem là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa đầu tiên ở xứ Nam Bộ vì được tạo dựng sau 6 năm - ngày tướng quân Trần Thượng Xuyên dẫn đoàn người Hoa đến Đại Việt xin thuần phục. Hơn 300 năm qua, nơi đây đã trở thành nơi lưu giữ và bảo tồn hai nền văn hóa Việt – Hoa và là điểm đến tâm linh không thể thiếu của nhiều người dân Đồng Nai.

Vào năm 1679, sau khi được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã dẫn theo 3.000 quân thân tín, cùng với gia quyến tiến vào Bàn Lân (nay thuộc TP. Biên Hòa) để lập nghiệp.

Trần Thượng Xuyên đã kết hợp với cộng đồng người Việt đến vùng đất này trước đó, khai khẩn, mở mang đất đai và tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội, phồn thịnh bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.

Sau 6 năm an cư trên đất Việt, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã cùng cộng đồng người Hoa tạo dựng nên Thất phủ cổ miếu (người Việt quen gọi là Chùa Ông Cù Lao Phố) - một trong số ít cơ sở văn hóa đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung.

Thất phủ Cổ miếu đánh dấu cột mốc lịch sử về thời kỳ khẩn hoang, lập nghiệp và cùng bảo vệ, phát triển vùng đất phương Nam của cộng đồng người Hoa. Hơn 300 năm hiện hữu, Thất phủ Cổ miếu trở thành địa điểm giao lưu của hai nền văn hóa Việt – Hoa trên vùng đất Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Một số hình ảnh do phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận:

Các đại biểu cùng Ban tổ chức lễ hội Chùa Ông thực hiện nghi thức cúng trời.

Nhiều hoạt động được tổ chức tại Lễ hội Chùa Ông như: dâng hương, biểu diễn nhạc cổ truyền Triều Châu, múa lân sư rồng, giao lưu thư pháp và tặng chữ cho bá tánh, cải lương tuồng cổ, lễ thả Phúc Khí Cầu, cầu an và thả hoa đăng trên sông Đồng Nai.

Người dân dự lễ thả Phúc Khí Cầu sẽ viết tên mình kèm lời ước nguyện cho bản thân và gia đình trong năm mới, đính vào quả phúc khí cầu và thả lên trời.

Lễ hội chùa Ông năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 22/2 (tức mùng 9 đến 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024).

Biểu diễn lân sư rồng là loại hình văn hóa nghệ thuật cũng như món ăn không thể thiếu mỗi dịp lễ hội.

Người đánh trống lân đem lại âm thanh rộn ràng, phấn khởi kết hợp nhuần nhuyễn với người điều khiển lân để một bài diễn thành công.

Ban tổ chức lễ hội Chùa Ông thả hoa đăng cầu quốc thái dân an, may mắn đến người dân mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Lễ hội truyền thống Chùa Ông được Bộ VH-TTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2024 kỷ niệm 340 năm kiến lập Thất phủ Cổ miếu – Chùa Ông (1684-2024).

Từ năm 2013, lễ hội Chùa Ông chính thức được tổ chức hoành tráng, phục dựng các nghi thức truyền thống.

Lễ hội Chùa Ông năm 2024 kéo dài trong 5 ngày với nhiều chương trình như lễ nghinh thần trên sông Đồng Nai.

Mở đầu đoàn diễu hành lễ nghinh thần là đội nghi lễ kèn, trống do học sinh THCS trên địa bàn TP Biên Hòa biểu diễn.

Duy Trường – Ngô Vinh – Thiên Phúc