Hành trình 'thoát kén' của cậu học trò khiếm thị ở Hà Tĩnh

Từng không dám bước ra khỏi “vùng tối”, nhưng nay, Đỗ Nam Khánh - lớp 12D5, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP à Tĩnh) đã có thể tự tin đứng diễn thuyết trên sân khấu, truyền cảm hứng cho mọi người. Hành trình “thoát kén” của cậu học trò khiếm thị đã để lại nhiều ấn tượng đẹp, lan tỏa lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”.

Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở thế hệ thứ 3, ngay từ khi mới sinh ra, Nam Khánh (SN 2006, trú tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đã yếu về thị lực, em mắc chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh. Mẹ của Khánh - chị Nguyễn Thị Thanh Tình cũng bị khiếm thị nhẹ.

Thiếu đi tình cảm của bố, Khánh lớn lên trong sự bảo bọc của ông bà ngoại và mẹ. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, những tưởng đôi mắt của Khánh sẽ dần nhìn rõ hơn, nhưng những di chứng quá nặng khiến thị lực ngày càng giảm và đến nay không thể nhìn thấy.

Thiếu đi tình cảm của bố, Khánh lớn lên trong sự bảo bọc của ông bà ngoại và mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tình cho biết: “Ban đầu, Khánh vẫn nhìn được nhưng ở khoảng cách gần và mọi vật đều mờ ảo. Lên lớp 6, con không thể nhìn được nữa. Cả nhà rất buồn và thương con. Bản thân Khánh bị sốc tâm lý nặng nề, con chới với và nhốt mình trong 4 bức tường, sợ hãi không dám bước đi, không giao tiếp với ai”.

Thương Khánh, cả nhà gom góp tiền đưa em ngược xuôi chữa trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều không mang lại kết quả. Kể từ đó, Khánh bắt đầu học làm quen với việc dùng đôi tay, đôi tai thay đôi mắt để cảm nhận mọi thứ.

Để gỡ bỏ dần những rào cản trong tâm lý, được Hội Người mù TP Hà Tĩnh và gia đình động viên, Khánh tham gia vào hội. Từ đó, được gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ khiến Khánh dần cởi bỏ tự ti, mặc cảm. Em cũng mở rộng mối quan hệ với bạn bè, cởi mở hơn với mọi người.

Chăm chỉ và cần cù, Khánh nhanh chóng thuần thục với chữ nổi và tiếp cận thành thạo các thiết bị như máy tính, điện thoại, phần mềm dành cho người khiếm thị.

Được hội tạo điều kiện cho đi học chữ nổi Braille, Khánh càng thêm tự tin. “Vùng tối” của bản thân dần dần được trút bỏ, dẫu vẫn còn khó khăn nhưng em đã tìm được ánh sáng của riêng mình.

Chăm chỉ và cần cù, Khánh nhanh chóng thuần thục với chữ nổi và tiếp cận thành thạo các thiết bị như máy tính, điện thoại, phần mềm dành cho người khiếm thị. Cũng từ đây, Khánh được nghe và biết nhiều hơn các câu chuyện nghị lực trong cuộc sống; những câu chuyện kể về ác Hồ và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và em được thấm sâu hơn lời động viên Bác Hồ dành cho người mù: “Tàn nhưng không phế”.

Những điều đó đã thôi thúc Khánh không ngừng nỗ lực, cố gắng mỗi ngày.

Mất đi đôi mắt, Khánh dùng đôi tai, khối óc để nghe và ghi nhớ trong quá trình học ở lớp. Ngoài ra, Khánh luôn sắp xếp thời gian khoa học để có thể vừa học, vừa chơi.

Mất đi đôi mắt, Khánh dùng đôi tai, khối óc để nghe và ghi nhớ trong quá trình học ở lớp. Thay vì làm bài kiểm tra như các bạn, Khánh thi bằng cách trả lời vấn đáp hoặc gửi câu trả lời qua email. Ngoài ra, lúc ở nhà, em thường xuyên tìm kiếm các file bài giảng qua mạng để ôn tập kiến thức. Em cũng sắp xếp thời gian khoa học để vừa học, vừa chơi, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ.

Lúc ở nhà rảnh, cậu trò nhỏ còn phụ giúp bà và mẹ dọn dẹp bàn ghế để đón khách ăn sáng. Quán ăn sáng nhỏ là tất cả những gì cả nhà đang làm để lo cho cuộc sống của gia đình Khánh.

Khánh bộc bạch: “Những người được gặp, những câu chuyện được nghe đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều. Em thấy mình phải có trách nhiệm hơn với chính mình. May mắn vì luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ của mọi người, em sẽ cố gắng hơn nữa. Lúc nhỏ em luôn phấn đấu trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ”, lớn lên là người thanh niên làm theo lời Bác “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”. Những thử thách, trở ngại sẽ là xúc tác để em hoàn thiện và khám phá giới hạn của bản thân”.

Nỗ lực trong học tập, ở các cấp học, Khánh đều đạt học lực giỏi và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn nghệ của trường. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB “Sách và hành động” của Trường THPT Phan Đình Phùng, Khánh cùng các thành viên trong câu lạc bộ tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa tinh thần tích cực đến các bạn cùng trang lứa.

Nam Khánh năng nổ trong tham gia các hoạt động và tích cực học tập.

Năm 2022, Đỗ Nam Khánh vinh dự đại diện cho trẻ em khiếm thị toàn tỉnh tham gia Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội và đạt giải 3 cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” trong khuôn khổ diễn đàn. Năm 2023, Khánh đạt giải nhì cuộc thi “Go with you” do mạng lưới khiếm thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Kim Bồng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D5 tự hào: “Nam Khánh là học trò đặc biệt. Ngay khi đón Khánh từ lớp 10, tôi đã thấy ở em hình ảnh một cậu học trò nghị lực, chịu thương, chịu khó và rất có tinh thần trách nhiệm. Không chỉ nỗ lực trong học tập, Khánh còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của trường, lớp; là người dẫn chương trình, phát biểu tham luận tại nhiều hội nghị ở trường, thành phố. Khánh cũng là hạt nhân đoàn kết của lớp. Em đã truyền động lực, cảm hứng và là tấm gương sáng để các bạn trong lớp noi theo. Vừa rồi, Nam Khánh đã được hoàn thiện thẩm định hồ sơ xét kết nạp Đảng”.

Song song với học kiến thức ở trường, cậu bé khiếm thị đa tài còn theo học biểu diễn nhạc cụ phương Tây, chuyên ngành Piano - Organ, hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du. Miệt mài hơn 2 năm qua, Nam Khánh đều đến trường học đàn và cuối tháng 12/2023, em tốt nghiệp khóa học đạt loại giỏi.

Bên cạnh đó, Nam Khánh còn là hội viên tích cực trong tham gia hoạt động hội người mù; là cộng tác viên, viết tin, bài cho Tạp chí Đời mới của Trung ương Hội, Bản tin Sức sống mới của Hội Người mù Hà Tĩnh.

Ông Hà Huy Thông - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nam Khánh đã từng tham gia tình nguyện dạy chữ nổi cho các em học sinh tiểu học tại tỉnh hội và một diễn giả truyền cảm hứng cho các em nhỏ khiếm thị tại hội. Tấm gương, nghị lực của Khánh, chúng tôi rất nể phục, trân trọng và lan tỏa, làm đẹp thêm hình ảnh về những người khuyết tật “Tàn nhưng không phế”.

Những cố gắng của Khánh được ghi nhận khi tại lễ tuyên dương học sinh vượt khó năm 2023 tỉnh Hà Tĩnh, Khánh là 1 trong 10 học sinh được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Sở GD&ĐT vinh danh. Nhiều năm liền, Khánh được nhận giấy khen của Hội Người mù tỉnh và thành phố; giấy khen của đoàn trường, ban giám hiệu nhà trường.

Nam Khánh phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo Bác do Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức.

Đầu năm 2024, Khánh vinh dự được Đoàn trường THPT Phan Đình Phùng giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng và em đạt loại xuất sắc của lớp. Tháng 4/2024 vừa qua, em là 1 trong 21 cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh vinh danh điển hình trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ, ngày 16/5 vừa qua, Khánh là đại biểu nhỏ tuổi nhất, 1 trong 21 cá nhân tiêu biểu toàn tỉnh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2024.

Nam Khánh được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

Như hành trình "thoát kén", Đỗ Nam Khánh đang mỗi ngày trưởng thành hơn và làm đẹp cho đời bằng những việc làm ý nghĩa, truyền niềm lạc quan cho mọi người. Hình ảnh cậu học trò khiếm thị với nỗ lực vượt qua chính mình đã trở thành tấm gương điển hình trong học và làm theo Bác để mỗi người có thể soi chiếu và thực hiện.

Khánh trải lòng: “Những gì em đã làm được đến hôm nay vẫn đang nhỏ bé, nhưng em sẽ luôn cố gắng để mình của hôm nay tốt hơn mình của hôm qua. Bản thân em muốn lan tỏa tinh thần này đến mọi người, nhất là các bạn nhỏ khuyết tật như em”.

VIDEO: Nam Khánh truyền động lực cho thế hệ trẻ.

BÀI, ẢNH: THU HÀ

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Thu Hà - Huy Tùng