Hãy chia tay tư duy cũ!

Những vấn đề của đội tuyển Việt Nam, trách nhiệm của ban huấn luyện, nhất là của HLV trưởng P. Troussier, báo chí đã nhắc nhiều trong những ngày qua. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ quan điểm của LĐBĐ Việt Nam (VFF) khi cho rằng giờ chưa phải là lúc thích hợp bàn về việc thay HLV trưởng vì nhiều lý do. Theo đó, đội tuyển dự giải với lực lượng sứt mẻ nhiều; đội đang trong quá trình chuyển giao và thời gian 9 tháng khá ngắn để có thể tạo được kết quả tích cực hơn ở sân chơi châu lục.

Có lần, khi được phóng viên nước ngoài hỏi về tình yêu bóng đá của người Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã trả lời rằng fan (người hâm mộ) Việt Nam "chỉ yêu bóng đá chiến thắng". Điều này thì fan nước nào cũng vậy, không người hâm mộ nào thích đội bóng của mình thua cả. Cần nhắc lại, ở vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, nhà cầm quân Hàn Quốc từng nếm trải 7 trận thua liên tiếp trước khi thắng Trung Quốc. Thua các đối thủ ở đẳng cấp trên là điều bình thường nhưng lúc đó, đã có một chiến dịch quyết liệt đòi sa thải ông.

HLV Troussier động viên trung vệ Việt Anh sau trận Việt Nam thua Iraq 2-3 ở lượt đấu cuối vòng bảng Asian Cup 2023 tối 24-1. Ảnh: REUTERS

Vì thế, ông Park đã áp dụng lối đá "kết quả là trên hết". Nhiều lúc, nắm trong tay một loạt cầu thủ tấn công giỏi, ông sẵn sàng bố trí lối chơi phòng ngự chủ động dù đối thủ chỉ ở ngang tầm như Thái Lan hay Indonesia.

Dĩ nhiên, so với người tiền nhiệm Park Hang-seo, ông chưa tạo được sự đồng thuận với truyền thông lẫn người hâm mộ, như cách sử dụng lứa cầu thủ hiện tại và cựu binh, cũng như không gặp may khi nhiều trụ cột thời ông Park đang sa sút. Song, có thể thấy rõ nhà cầm quân người Pháp đi theo mô hình của bóng đá hiện đại - cầm bóng, tấn công chủ động, pressing. Vì thế, ông ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ, dĩ nhiên phải giỏi, có tiềm năng, mà Đình Bắc, Thái Sơn, Thanh Nhàn là ví dụ.

HLV Troussier lớn hơn ông Park 2 tuổi. Thế nhưng, có chuyên gia cho rằng xem ra, nhà cầm quân người Pháp có tư duy trẻ hơn, ở chuyện chấp nhận đổi mới, chấp nhận làm lại - không chỉ về mặt con người mà cao hơn là về lối chơi.

Va chạm văn hóa Đông - Tây đã xảy ra và đang tái diễn trong bóng đá Việt Nam. Ông Troussier có lẽ không có tư duy "liệu cơm gắp mắm". Với ông, khoa học là khoa học, căn bản là căn bản, không hớt ngọn.

Bóng đá bây giờ đã được hiện đại hóa, công nghệ hóa quá mức tưởng tượng. Với sự hỗ trợ của công nghệ số và các công ty cung cấp dữ liệu bóng đá, các đội có thể hiểu rõ từng cầu thủ đối phương đến tận chân tơ, kẽ tóc.

Trong khi đó, cầu thủ không chỉ học các bài kỹ thuật - chiến thuật cơ bản mà vây quanh họ là bao thuật ngữ: tổ chức pressing ở 1/3 cuối sân, chuyển đổi trạng thái, thoát pressing, bẫy pressing, không gian giữa hai tuyến, chạy chỗ hình chữ X… Điều đó đòi hỏi cầu thủ phải chơi bóng với tư duy rất cao. Đầu tiên là cầm bóng, tiếp theo là chơi bóng, cao hơn là chơi với tư duy nhạy bén.

Nếu Việt Nam chưa có nhiều cầu thủ phù hợp với lối chơi chủ động cầm bóng hiện đại mà nhà cầm quân người Pháp xây dựng thì đó là việc của các CLB. Chính sự tương đối cực đoan này của ông có thể sẽ là lực kéo để các CLB xây dựng lại hệ thống đào tạo của họ. Còn nếu cứ mãi "liệu cơm gắp mắm" mà không tự tìm cách sản xuất nguyên liệu, sản phẩm hoặc tạo ra dịch vụ giá trị để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đến bao giờ chúng ta mới bắt kịp được với xu hướng hiện đại của bóng đá thế giới?

Vì thế, duy trì sự ủng hộ HLV Troussier chỉ là một chuyện. Chuyện lớn hơn là kiên quyết chia tay tư duy cũ!

Đinh Hiệp