Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan

Chia sẻ lợi ích tới các doanh nghiệp

Theo ổng cục Hải quan, việc tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, được thực hiện theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15.7.2022 của Tổng cục Hải quan, đã đưa quan hệ giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy, lan tỏa những lợi ích của chương trình; các doanh nghiệp đã không ngừng chia sẻ lợi ích đến với các đối tác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác.

Ngành hải quan chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Ảnh: HQ

Nhờ đó, năm 2023, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình đã tăng 36%; các doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tuân thủ; tỷ lệ kiểm tra hàng hóa đã giảm rõ rệt, tỷ lệ luồng xanh tăng, tỷ lệ luồng vàng, đỏ giảm; giúp doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan. Tính đến ngày 31.12.2023, cơ quan hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 289 doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã đôn đốc và hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và ủng hộ. Kết quả, đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ đối với 76 doanh nghiệp, hoàn thành và vượt chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 theo Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31.1.2023, tăng trên 20% số lượng doanh nghiệp tham gia so với năm 2022.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tham gia chương trình cũng được cải thiện, trong đó 102 doanh nghiệp chiếm 35% trên tổng số doanh nghiệp tham gia được nâng mức độ tuân thủ, 141 doanh nghiệp chiếm 48% trên tổng số doanh nghiệp tham gia duy trì mức độ tuân thủ, tuân thủ cao; ngành hải quan cũng đã thực hiện hỗ trợ 228 vướng mắc của doanh nghiệp thành viên, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên chương trình.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, Chương trình hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đặt mục tiêu khích lệ doanh nghiệp nâng cao khả năng và ý thức tuân thủ. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm tự nhiên mà còn là yếu tố quyết định sự thành công.

Một số doanh nghiệp, do hạn chế về năng lực tiếp cận thông tin và quy trình tìm hiểu thủ tục, thường gặp khó khăn trong việc duy trì mức tuân thủ cao. Vì thế, tham gia chương trình sẽ giúp họ cập nhật thông tin và nhận cảnh báo kịp thời. Đồng thời, sự chủ động thay đổi của cơ quan hải quan cũng là điều khích lệ, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp về sự đồng hành của cơ quan nhà nước. Chương trình hỗ trợ tuân thủ pháp luật hải quan giúp doanh nghiệp nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong thực hiện thủ tục hải quan, tăng cơ hội được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

Nâng cao hiệu suất kinh doanh

Với kết quả nêu trên, Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khi được hưởng lợi ích thiết thực từ việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu. Thủ tục tham gia chương trình đơn giản, hạn chế tối đa thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà.

Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Liên hợp Việt Nam (Khu công nghiệp Hải Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) là 1 trong 10 doanh nghiệp tham gia "Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan" được Tổng cục Hải quan tôn vinh tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023.

Đây là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2018; tổng vốn đầu tư gần 31 triệu USD, diện tích nhà máy gần 27ha. Sản phẩm chính của Công ty là vải không dệt, hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu với các thị trường chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đại diện Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Liên hợp Việt Nam đánh giá, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan hải quan, doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật và giúp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi.

Khẳng định việc nâng mức độ tuân thủ pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Hải Nga, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Chế tạo động cơ Zongshen Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ công chức hải quan, giải đáp mọi thắc mắc và giúp khắc phục những vấn đề chưa rõ ràng, giảm sai sót về mã HS, bảo đảm hiệu quả thông quan và rút ngắn thời gian xuất khẩu. Từ đó, doanh nghiệp luôn bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất và cung cấp hàng hóa đến khách hàng quốc tế, tránh những rủi ro và trễ giờ giao hàng không mong muốn, nâng cao uy tín trước đối tác. Hiệu suất nổi bật được thể hiện thông qua sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 200% so với năm trước, góp phần quan trọng vào doanh thu năm 2023 của doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, với hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì số doanh nghiệp tham gia Chương trình còn khiêm tốn; do đó, thời gian tới, ngành hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách. Cụ thể, đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Thanh Điểu