Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Thanh Hóa thông báo một số chỉ tiêu thống kê về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Thanh Hóa đã thông báo một số chỉ tiêu thống kê chủ yếu về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội cơ bản vẫn giữ ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,66 so với cùng kỳ, cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy bị tác động của dịch, bệnh trong chăn nuôi và đại dịch COVID-19 nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 3,47%. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,39% so với cùng kỳ với một số sản phẩm chủ yếu, như: Xăng các loại, dầu diesel, đường kết tinh… Ngành thương mại và dịch vụ tăng 7,30%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 15.664 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ước đạt 67.950 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ…

Toàn cảnh hội nghị

Trong lĩnh vực xã hội, 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 27.500 lao động, tăng 62,5% so với cùng kỳ. Kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 86 hội đồng thi tại 27 huyện, thị xã, thành phố với tổng 38.584 thí sinh đăng ký dự thi. Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ngành Y tế đã tổ chức giám sát chặt chẽ, truy vết các trường hợp nghi ngờ, F1, F2 và các trường hợp trở về từ vùng dịch, nhập cảnh trái phép...

Các đại biểu tham dự họp báo.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, kinh tế - xã hội nước ta dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải… Do vậy, thời gian tới các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống. Theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại diện cơ quan báo chí phát biểu ý kiến tại họp báo.

Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa năm 2021. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất và ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chông dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; trọng tâm là khống chế sớm nhất dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; phấn đấu không để tái dịch dịch Bệnh tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm A/HSN6. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm. Chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng măc, tập trung vào các vấn để liên quan đến giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất... Đôn đốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, trọng tâm là các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động năm 2021.

Lê Ngọc