Hữu ích viên nén nhiên liệu thân thiện với môi trường

Dự án “Viên nén tái tạo - hiệp đồng từ đất biển ên Giang” do 5 học sinh thực hiện, trong đó có 3 em từ Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá gồm Trương Thành Phúc - học sinh lớp 11 lý, Hoàng Đức Tín - học sinh lớp 10 hóa, Nguyễn Nhật Chiêu Minh - lớp 10 văn; em Nguyễn Huy Hoàng - lớp 9A1 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá); em Nguyễn Trọng Nhân - học sinh lớp 9/6 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (TP. Rạch Giá) và được thầy Nguyễn Danh Ngôn - giáo viên toán Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt hướng dẫn.

Các thành viên nhóm nghiên cứu giới thiệu dự án “Viên nén tái tạo - hiệp đồng từ đất biển Kiên Giang” đến từ Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá.

Em Trương Thành Phúc kể, khi còn là học sinh tiểu học, em rất băn khoăn khi thấy nhiều trường học ở ngoại ô đốt rác gây khói bụi và mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe học sinh và người dân. Em lo ngại khi chứng kiến môi trường biển Kiên Giang phải “oằn mình như một cơ thể xanh xao, vàng vọt đang dần mất đi sức đề kháng” trước sự tấn công của ác thải nhựa.

Sau khi tham gia các chương trình làm sạch biển, vớt rác cứu biển, trường học không rác thải nhựa…, Thành Phúc nhận thấy hiện nay vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả rác thải nhựa sau khi được thu gom. Phương án chôn lấp không những làm tốn diện tích đất mà còn đối mặt với ô nhiễm môi trường như vi nhựa, nước rỉ và khí nhà kính nguy hiểm phát sinh trong quá trình phân rã...

Nếu đem đốt thì khói độc, mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường; phương án tái chế để tái sử dụng thì còn rất nhiều bất cập. Ý tưởng chính của dự án là kiến tạo mô hình ởi nghiệp bền vững, biến rác thải nhựa thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Hơn 4 tháng miệt mài nghiên cứu và thực nghiệm tại Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt và Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội) với không ít lần thất bại, nhóm nghiên cứu đã thành công tạo ra sản phẩm viên nén độc đáo, mới lạ, thân thiện môi trường với sự kết hợp giữa rác thải nhựa ven biển với vỏ trấu và đá dolomit.

Việc kết hợp đá dolomit, trấu, nhựa tạo ra viên nén nhiên liệu thân thiện với môi trường vì MgO và CaO trong dolomit đóng vai trò quan trọng xúc tác cho sự cháy nhiên liệu và hấp thụ hoặc ức chế sự hình thành khí độc.

Thành viên nhóm nghiên cứu thực nghiệm tại Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Thầy Nguyễn Danh Ngôn chia sẻ: “Để tạo ra được sản phẩm, các em trong nhóm nghiên cứu tìm đọc các tài liệu trong nước và quốc tế, tìm hiểu các chương trình có liên quan đến rác thải nhựa, tham vấn các chuyên gia, thầy cô. Trong quá trình thực nghiệm tại Viện Khoa học vật liệu, các em kiên nhẫn thực hiện các thí nghiệm đến khi đạt kết quả như mong muốn. Sản phẩm viên nén là kết tinh của công sức, trí tuệ và tâm huyết, sự đam mê và kiên trì của các bạn trẻ”.

Với việc tạo ra sản phẩm viên nén nhiên liệu thân thiện với môi trường, các em biến rác thải nhựa thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, giúp làm sạch biển, xử lý rác thải nhựa bằng phương pháp hiệu quả nhất. Đồng thời, nâng cao giá trị của lượng phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trấu), tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Với việc nghiên cứu thành công viên nén, các em tạo ra dòng sản phẩm thay thế phù hợp và hiệu quả nhất cho nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt hiện nay với giá thành cạnh tranh, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng cả trong nước và quốc tế; bắt kịp xu hướng mới của thế giới biến rác thải thành chất đốt thay thế cho nhiên liệu hóa thạch và tận dụng phụ phẩm, phế phẩm để tái chế, sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường; mang lại giá trị kinh tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc.

Việc đi vào sản xuất viên nén với quy mô công nghiệp hứa hẹn nhiều triển vọng trong hiện thực hóa ý tưởng biến rác thải nhựa thành sản phẩm mang giá trị kinh tế, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân trồng lúa từ việc bán vỏ trấu đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.

Được đại diện tỉnh tham gia vòng bán kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 toàn quốc là niềm vinh dự lớn của nhóm nghiên cứu, thực hiện dự án. Các em mong muốn giới thiệu về dự án mang giá trị kinh tế, truyền tải thông điệp phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; lan tỏa tư duy khởi nghiệp bền vững, ý thức phát huy thế mạnh của địa phương cho thanh niên Việt Nam.

Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN