K'bang thoát nghèo bền vững nhờ thay đổi nếp nghĩ cách làm

K’bang là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Gia Lai đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhờ nguồn lực quan trọng của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Diện mạo nông thôn thay đổi

Chương trình đến với địa phương phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là về đầu tư kết cấu hạ tầng, một số tuyến đường từ huyện đến xã được đầu tư thông suốt, mùa mưa không còn bị chia cắt. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% xã được đầu tư nhà văn hóa, 50% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3-5%/năm.

Cuộc sống người dân K'bang ngày càng thay đổi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, đại diện UBND huyện K’bang cho rằng, nét nổi bật của chương trình là tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, theo đó vùng nông thôn trực tiếp được tiếp cận và hưởng lợi.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông chính, đường vào các khu sản xuất của nhân dân cũng được đầu tư bê tông kiên cố nên không còn cảnh ngập úng vào mùa mưa, xe chở nông sản không thể di chuyển do đường xuống cấp, hư hỏng. Việc giao thương thông suốt giúp chi phí sản xuất hàng hóa, nông nghiệp của người nông dân giảm 50%, giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao hơn giúp nông dân có thêm thu nhập, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đã giúp các địa phương đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Gia Lai, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa…

Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững còn giúp hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người nông dân như: mô hình trồng cây mắc ca ở K'bang, mô hình cánh đồng lúa một giống ở huyện Phú Thiện, mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ ở huyện Đăk Đoa cùng nhiều vùng sản xuất mía tập trung ở các huyện phía Đông của tỉnh…

“Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao, an ninh trật tự xã hội khu vực nông thôn giữ vững và ổn định”, vị đại diện này cho hay.

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm”

Bên cạnh nguồn lực từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện K'bang đã vận động người dân thực hiện Cuộc vận động "thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững". Theo đó, huyện đã xây dựng được hơn 100 mô hình giảm nghèo tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phần lớn các mô hình này đều mang lại hiệu quả, góp phần giúp đồng bào dân tộc nơi đây có cuộc sống ấm no. Đơn cử như tại xã Đông, thực hiện mô hình vận động nhân dân xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới, tất cả đường nội làng đều được thắp sáng (do người dân đóng góp).

Đồng thời, người dân còn chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, dọn vệ sinh hàng tuần. Mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ma chay tại làng đồng bào dân tộc thiểu số” có 46 hộ đăng ký tham gia.

Nhờ việc tuyên truyền, vận động, bà con trong làng đã nâng cao ý thức, thay đổi trong việc ma chay, hạn chế cúng rượu, trứng, thay vào đó là tiền và gạo. Mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm làng đồng bào dân tộc thiểu số trong thay đổi nghề, tăng thu nhập” có 39 người tham gia. Qua đó, người dân nơi đây đã chuyển đổi nghề sang nuôi lợn, công nhân cạo mủ cao su cho thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.

Điển hình, mô hình "Thay đổi trong phát triển sản xuất, chăn nuôi" có 47 hộ tham gia; trong đó, có 19 hộ nghèo. Các hộ chủ động tham gia các lớp khuyến nông, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay đã có 14 hộ thoát nghèo.

Chính quyền huyện K'bang đã huy động nguồn lực từ chương trình của các đoàn thể, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; phối hợp vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các mô hình, cuộc vận động, phong trào thi đua.

Các cuộc vận động đã góp phần xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ, các quy ước, hương ước, kỷ cương pháp luật, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, giúp xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn hóa mới trong nhân dân. Các cuộc vận động cũng phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua khác đã lan tỏa, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của huyện K'bang.

Nhiều hộ dân tộc thiểu số đã xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; chuyển đổi giống mới cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ nông sản, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Một số hộ đã biết tận dụng chính sách giúp đỡ hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã có của ăn của để, chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà tạm, làm công trình phụ, chăn nuôi có chuồng trại; chủ động xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường.

Giàu lên nhờ trồng cây “3 sao”

Đáng chú ý, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng liên kết chuỗi để cùng nhau phát triển, nhiều HTX với những mô hình hay đã ra đời, từ đó hỗ trợ người dân sản xuất, bao tiêu đầu ra, giúp cuộc sống ngày càng ổn định, cùng vươn lên làm giàu.

Điển hình như HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung (huyện K'bang). HTX được thành lập vào tháng 5/2018, hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến nông sản, sản xuất lúa nước và phát triển các ngành nghề truyền thống. Với phương châm lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, ngay sau khi ổn định tổ chức, HTX đã huy động nguồn lực của các thành viên đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy nông sản, lò nấu và hệ thống chiết xuất tinh dầu sả.

Theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thanh Hương, 41 thành viên của HTX trồng 32 ha sả, năng suất đạt 13 tấn/ha/năm. Ngoài cây sả, mỗi năm, HTX còn thu mua hàng chục tấn măng le, bí đao và nhận sấy nhiều loại nông sản như: nấm, chè dây, đinh lăng, chuối hột… cho người dân trên địa bàn. Do đó, việc đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến rất cần thiết.

“Nông sản thu mua về, HTX đem chế biến, sấy khô kịp thời nên khi ra thành phẩm có chất lượng, mùi thơm đặc trưng, được thị trường đánh giá cao. Việc đầu tư trang-thiết bị hiện đại để chiết xuất tinh dầu sả giúp chất lượng sản phẩm tốt hơn”, bà Hương khẳng định.

Năm 2019, HTX chọn sản phẩm măng le khô để đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm này sau đó đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, HTX tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu năm 2020, sản phẩm măng le khô của HTX đã có mặt trong chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam ở tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng. Sản phẩm cũng được trưng bày tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc.

Riêng mặt hàng tinh dầu sả của HTX được một công ty dược ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 350-400 ngàn đồng/lít. Ngoài ra, các sản phẩm trà bí đao, dược liệu, trái cây… được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Nhờ đó, doanh thu năm 2020 đạt trên 1,8 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.

“HTX sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm đi kèm với nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ”, Giám đốc HTX nhấn mạnh về phương hướng trong thời gian tới.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Tơ Tung hoạt động có hiệu quả. Những năm qua, HTX đã chú trọng đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

“Những năm tới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tìm kiếm, liên hệ với các doanh nghiệp để HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”, vị này thông tin.

Nhật Nam