Kênh rạch toàn TP HCM 10 năm nữa sẽ hồi sinh

Ngoài kênh rạch đang ô nhiễm nặng - cá tôm không thể sinh sống - ở TP HCM, có không ít kênh rạch được cho là đã phần nào hồi sinh với màu nước trong xanh nhưng cứ đến hẹn cá tôm lại đua nhau… phơi bụng.

Nắng sống, mưa chết vì đâu?

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn chảy qua địa bàn quận 6, TP HCM), cả năm qua nước bắt đầu trong, nhiều đàn cá bơi lội. Nhưng đó là chuyện của những ngày nắng, còn vào những ngày mưa, bầy cá đang khỏe mạnh bỗng thoi thóp trồi lên mặt nước. Đặc biệt ở đoạn kênh gần đường Võ Văn Kiệt, cứ mưa xuống là cá nổi trắng bụng.

Tương tự, mấy năm gần đây, con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn chảy qua quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình), năm nào cũng có 2, 3 đợt cá chết khi trời đổ mưa, khiến ai chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM, cho biết mỗi lần mưa xuống công nhân phải vất vả xử lý cá chết ở các kênh lớn.

Có rất nhiều lý giải cho tình trạng trên. Ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lý do cá chết cơ bản được xác định là do nước thải sinh hoạt tích tụ từ hệ thống cống gặp mưa đã đổ trực tiếp ra kênh, cộng với rác thải từ rạch Ruột Ngựa (quận 8) đổ vào làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Tương tự, lý do cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, giải thích do rác thải, hóa chất từ hệ thống ống cống đổ ra kênh khi mưa lớn đã che phủ mặt nước làm lượng ôxy giảm, kết hợp lớp bùn chứa nhiều khí độc tích tụ dưới đáy lâu ngày bị sục lên hòa tan trong nước, gia tăng ô nhiễm. Hai yếu tố đó làm thay đổi đột ngột môi trường sống khiến cá chết đồng loạt.

Mỗi lần mưa xuống, nhiều kênh rạch vừa được cải tạo ở TP HCM lại xảy ra hiện tượng cá chết do nước thải đổ trực tiếp không qua xử lý

Vậy do đâu nước thải có thể dễ dàng hòa vào nước kênh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Thứ, Giám đốc Công ty Xây dựng Phú Thịnh, nói hàng trăm công trình mà công ty ông tham gia thiết kế hay thi công, đều có một điểm chung, đó là hệ thống nước thải sinh hoạt đều đấu nối trực tiếp ra ống cống công cộng, từ đó đổ ra kênh rạch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hà, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 4 (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM), nói thêm nhiều năm nay ông luôn ám ảnh mỗi khi nạo vét cống trên đường có các quán ăn, quán nhậu. Bởi tất cả chất thải từ đồ chế biến lẫn đồ thừa đều đổ xuống cống. "Chừng một tháng không nạo vét là nước, chất thải tạo mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải này mà đổ ra kênh thì đến lươn còn chết chứ huống chi cá tôm" - ông Hà bức xúc.

Qua đây, ông Hà mong muốn thành phố ngoài việc sớm đầu tự hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung thì cũng cần bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm việc xử lý nước tại nơi sản xuất. Ngoài ra về lâu dài, cần hình thành các cụm xử lý nước thải mang quy mô khu phố, cụm dân cư để đỡ tốn sức và tiền của cho công tác nạo vét kênh rạch, xử lý bùn do chất thải tích tụ.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM cũng cho hay đã nhìn thấy nguyên nhân nên từ lâu đơn vị đã kiến nghị cần sớm đưa vào các hệ thống xử lý nước thải xung quanh các kênh để tránh tình trạng ô nhiễm, giảm chi phí cải tạo, nạo vét và chăm sóc cảnh quan hằng năm.

Mục tiêu 9 năm xử lý 90%

Theo Sở Xây dựng TP HCM, tính đến thời điểm này, tổng lượng nước thải toàn bộ TP mỗi ngày là hơn 3 triệu m3, trong khi hiện chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 131.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa đạt 30.000 m3/ngày và Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đạt 131.000 m3/ngày. Như vậy, có đến 90% lượng nước sinh hoạt và sản xuất sẽ được đấu nối đổ ra kênh, rạch và chảy trực tiếp ra môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng cho hay đang đẩy nhanh việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà máy xử lý nước thải với mục tiêu năm 2025, thành phố phải hình thành thêm 12 nhà máy xử lý nước thải. Các dự án mời gọi đầu tư có thể kể đến gồm nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000 m3/ngày, nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Nhà máy Xử lý nước thải Bình Tân) công suất 180.000 m3/ngày…

Song song đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung điều chỉnh các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000 m3/ngày), Tân Hóa - Lò Gốm (công suất 300.000 m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000 m3/ngày) thành một nhà máy tại Bình Hưng Hòa để đầu tư. "Việc này dự kiến hoàn tất vào năm 2030, khi đó toàn bộ nước thải đô thị sẽ được thu gom và xử lý. Chất lượng nước khi thải ra đạt tiêu chuẩn A - tức có thể các loài nhạy cảm với sự thay đổi môi trường nước như cá có thể sống được" - Sở Xây dựng TP HCM kỳ vọng.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Xây dựng, chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng như chi phí bảo dưỡng khá lớn nên để giải quyết bài toán một cách căn cơ, vừa qua, UBND TP đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, tính từ năm 2022 người dân mua nước sinh hoạt phải đóng luôn cả tiền xử lý nước thải, số tiền này nhằm bảo đảm nguồn kinh phí bảo dưỡng và giảm việc sử dụng tiền ngân sách trong hoạt động đầu tư, xử lý nước thải.

Đồng tình với giải pháp thành phố đưa ra, song theo kỹ sư Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Tư vấn Xây dựng Bamboo, để thu hút hơn nữa nhà đầu tư, thành phố cần có thêm các cơ chế hỗ trợ. "Chẳng hạn giao cho nhà đầu tư khi làm nhà máy thì được phép khai thác cảnh quan, kinh doanh hai bên bờ kênh. Hình thức này giống như "mua bia kèm lạc" nhằm tạo điều kiện cho dự án được triển khai nhanh nhất" - ông Thành đề xuất.

Bài và ảnh: LÊ PHONG