Khẳng định bản lĩnh doanh nghiệp

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

Song hành với đó cũng rất cần cơ chế, chính sách sát thực, sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ DN, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh đóng góp vào nguồn thu ngân sách.

Nhiều thách thức

Bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế quốc tế trong thời gian qua đã, đang có nhiều biến động phức tạp và khó dự báo. Xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, nay lại xuất hiện thêm điểm nóng mới là xung đột giữa Israel - hết sức căng thẳng, có nguy cơ lan rộng hơn và đẩy giá dầu lên cao hơn trong thời gian tới.

Trong khi đó, các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tác động từ Kênh đào Suez ảnh hưởng đến xuất khẩu logistics tăng cao… có xu hướng ngày càng gia tăng và cực đoan hơn đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của nhiều quốc gia và cuộc sống của người dân trên phạm vi toàn cầu.

Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn; khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn. Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với nhiều rủi ro và thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Hà Nội.

Xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng sử dụng các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu để dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng để tạo hàng rào nhập khẩu.

Giải pháp căn cơ

Trước những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới, hàng loạt các chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt để hỗ trợ DN và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng DN là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, xuất khẩu tiếp tục được phục hồi đã góp phần quan trọng vào kết quả tích cực trong kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, do đó, các DN cần đẩy mạnh các giải pháp sau. Một là, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị, văn hóa DN; phát triển bền vững. Hai là, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của DN.

Ba là, chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đưa sản phẩm Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bốn là, hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa DN Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, tuân thủ theo pháp luật, tiếp tục tham gia đồng hành cùng TP trong các chương trình an sinh xã hội.

Có thể nói, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ DN đã đạt được những kết quả nhất định, được cộng đồng DN đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian tới, để hỗ trợ cộng đồng DN phát triển sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, với nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng DN, vì người dân.
Cộng đồng DN cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, tiếp tục giảm thuế, phí... tạo điều kiện tiếp cận thị trường vốn - công nghệ - mặt bằng để DN có điều kiện đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Cho phép DN nhỏ và vừa tham gia các gói đầu tư công khi đáp ứng đủ điều kiện để tạo cơ hội phát triển bứt phá.

Trong dài hạn, đề nghị Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nâng tầm DN thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển hướng, từng bước cụ thể các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ tư vấn để DN tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng… Cùng với đó, thường xuyên đối thoại với DN và có báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc, kiến nghị để thấy rõ kết quả DN được thụ hưởng chính sách của T.Ư và địa phương.

Đó là một số những giải pháp căn cơ, cùng sự nỗ lực và khẳng định bản lĩnh của chính DN, kỳ vọng sẽ có một kết quả tích cực về một nền kinh tế trong năm mới Giáp Thìn.

Văn hóa kinh doanh của DN vẫn được duy trì trong bất cứ hoàn cảnh nào, dựa trên các nền tảng thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, đặt khách hàng ở vị trí số 1. Song hành với đó là trách nhiệm xã hội luôn được cộng đồng DN lấy đó là thước đo vô cùng quan trọng. Đó là trách nhiệm của chính các DN khi đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và môi trường làm việc xung quanh; rồi hướng đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng…

TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme